Công điện nêu rõ, theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 7, nên từ chiều (10/10) đến hôm nay (11/10), ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to và có nơi có dông, tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng ở Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, tổng lượng mưa phổ biến 80-120mm, có nơi trên 150mm. Dự báo đêm 12/10 đến sáng 13/10 mưa có xu hướng giảm, chỉ còn có mưa và mưa nhỏ vài nơi.
Đường đi của bão Kompasu
Hiện nay phía đông Quần đảo Philippin có 1 cơn bão hoạt động, cơn bão có tên quốc tế là KOMPASU. Khoảng chiều hoặc tối nay (11/10) khả năng bão KOMPASU sẽ vượt qua Quần đảo Philippin đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 8 trong năm 2021. Do điều kiện khí quyển thuận lợi nên bão KOMPASU sẽ mạnh lên và di chuyển rất nhanh và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ trong ngày 13 - 14/10. Ngoài ra, từ trưa, chiều 13/10 không khí lạnh (KKL) được tăng cường mạnh xuống phía nam.
Do ảnh hưởng kết hợp giữa KKL và hoàn lưu cơn bão KOMPASU nên dự báo từ trưa, chiều ngày 13/10 - 14/10 toàn tỉnh có mưa to đến rất to và dông. Cần đặc biệt đề phòng gió bão mạnh và mưa lớn thời đoạn ngắn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở vùng thấp trũng và khu vực đô thị.
Dự báo khoảng ngày 15/10, ngày 16/10 bộ phận không khí lạnh tiếp tục được tăng cường mạnh xuống phía nam. Do ảnh hưởng kết hợp giữa không khí và rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới (trên dải hội tụ nhiệt đới lại có khả năng hình thành một vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới) nên từ ngày 15 đến ngày 18/10 khu vực Hà Tĩnh có khả năng tiếp tục xảy ra 01 đợt mưa lớn diện rộng.
Do liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn với thời gian mưa kéo dài liên tục trong nhiều ngày qua vì vậy cần đặc biệt chú ý đề phòng lũ lớn xảy ra trên các hệ thống sông.
Thực hiện Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, và chỉ đạo Bộ Trưởng Bộ nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với hoàn lưu bão số 7 và tình hình thiên tai trong những ngày tới. Để chủ động ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan 10 ngày tới trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 06/10/2021 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về ứng phó với tình hình mưa, lũ; đặc biệt cần đề phòng với bão số 8 được dự báo là rất mạnh, di chuyển nhanh và gây mưa lớn trên diện rộng trong những ngày sắp tới trên địa bàn tỉnh ta, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác dẫn đến những thiết hại không đáng có.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và UBND các địa phương ven biển nắm chắc số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển, kể cả tàu vận tải hàng hóa và tàu đánh cá để kịp thời thông báo cho các phương tiện biết diễn biến thời tiết chủ động vào bờ tránh trú; tuyệt đối không để các phương tiện ra khơi trong điều kiện thời tiết chưa an toàn; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền tránh trú an toàn theo đúng quy định khi tàu vào neo đậu; tạo điều kiện thuận lợi và bố trí, hướng dẫn cho các phương tiện tàu thuyền của các địa phương, các doanh nghiệp ngoại tỉnh khi vào tránh trú bão vừa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất.
3. Các địa phương ven biển và vùng đồng bằng: Phải rà soát ngay, nắm chắc số lượng các lồng bè, các ao nuôi trồng thủy sản và các chòi canh đề phòng với phương án bão mạnh đổ bộ kèm theo sóng biển cao để chỉ đạo, hướng dẫn bà con có phương án thu hoạch hoặc chằng chống nhằm giảm thiệt hại; tuyệt đối không để người ở lại trên các chòi canh khi có bão đổ bộ; rà soát ngay các tuyến đê biển, đê sông xung yếu hoặc đang thi công để chuẩn bị các phương án ứng phó thích hợp. Rà soát, nắm chắc số lượng dân cần phải di dời rất cụ thể để chủ động di dời đến nơi an toàn, phải chú ý đến từng đối tượng một để sắp xếp, bố trí nơi sơ tán một cách hợp lý vừa đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp; chủ động bố trí đủ số phương tiện và lựa chọn thời điểm thích hợp để di dời dân theo các kịch bản đã chuẩn bị; chủ động xây dựng và thực hiện phương án phải di dời các điểm, vùng có dịch; phối hợp chặt chẽ với các Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc, Thủy lợi Nam Hà Tĩnh kiểm tra, rà soát vận hành các công trình tiêu thoát lũ tranh thủ triều thấp chủ động tiêu nước đệm để giảm ngập úng khi có mưa lớn; rà soát ngay các khu vực hạ du các hồ chứa nước lớn (Kẻ Gỗ, Sông rác, Thượng Sông trí…) để chủ động thông báo cho người dân biết sớm để kịp thời ứng phó, tuyệt đối không để người dân bất ngờ với trường hợp có mưa, lũ lớn, các hồ chứa điều tiết lũ. Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc, Thủy lợi Nam Hà Tĩnh kiểm tra, theo dõi sát tình hình để chủ động điều tiết sớm hạ thấp mực nước hồ chứa để đón lũ, nhưng đồng thời phải tích đủ nước cho sản xất 2022, kiểm tra và triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, các công trình thủy lợi được UBND tỉnh giao quản lý, vận hành.
4. Các địa phương vùng núi: Do mưa lớn trong nhiều ngày qua nên khả năng xuất hiện sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ sâu khi có mưa lớn là rất cao, vì vậy yêu cầu các địa phương phải rà soát ngay các hộ dân, các cơ sở đóng quân của lực lượng quân sự, biên phòng, các cơ sở sản xuất kinh doanh (tên chủ hộ, số điện thoại…) ở trong các vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, vùng có khả năng ngập sâu khi có mưa lớn, vùng hạ du các hồ chứa, nhất là các hồ chứa xung yếu để chủ động thông tin ngay cho người dân và các đơn vị biết để chủ động ứng phó với các tình huống. Cử cán bộ theo dõi sát từng vùng, tuyệt đối không được để các tình huống bất ngờ có thể xẩy ra ngoài tầm kiểm soát. Rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa đang thi công, hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu. Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy.
5. Hiện nay số lượng người dân di chuyển từ các tỉnh phía nam về quê và về các địa phương khác đi qua địa bàn tỉnh (trên các tuyến Quốc lộ 01, đường mòn Hồ Chí Minh) là rất lớn. Yêu cầu các địa phương có tuyến đường Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đi qua kiểm tra, rà soát các vị trí nhà nghỉ, khách sạn, nhà cộng đồng, nhà của dân,… để tạo điều kiện cho người dân di chuyển có chỗ tránh trú khi có bão và mưa, lũ, vừa đảm bảo an toàn cho người dân đồng thời thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Chủ động bố trí lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các phương tiện ý tế để hỗ trợ người dân trong thời gian đang có bão và mưa lũ, tuyệt đối không được để người dân trong quá trình di chuyển không có nơi tránh trú bão, lũ, nếu địa phương nào để xẩy ra người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Các địa phương phải rà soát, chủ động phương án hỗ trợ cho các điểm chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện có bão và mưa, lũ lớn, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các điểm chốt chống dịch; nắm chắc số lượng người bị F0, F1 để chủ động các phương án đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh.
6. Công an tỉnh chủ trì phối hợp với UBND các địa phương, đặc biệt là các địa phương có tuyến Quốc lộ 1 và đường mòn Hồ Chí Minh đi qua và các đơn vị liên quan tăng cường trực chốt tại các vị trí thường xuyên xẩy ra ngập lụt sâu và sạt lở đất, kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Đài Khí tường thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời diễn biến của tình hình bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để các địa phương, đơn vị và người dân biết chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó thích hợp.
8. Sở Công thương chỉ đạo vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện, nhất là thủy điện Hố Hô, phối hợp với chính quyền địa phương cơ sở thông tin kịp thời đến tận người dân biết biết tình hình mưa, lũ và điều tiết của hồ chứa để người dân chủ động ứng phó.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các phương án đảm báo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ, đập xung yếu, đang thi công; đối với các hồ chứa có tràn xả sâu chỉ đạo chủ động điều điều tiết các hồ chứa hạ thấp mực nước đảm bảo an toàn, đồng thời tích đủ nước phục vụ sản xuất;
10. Yêu cầu Trưởng các Tiểu ban của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại những địa bàn xung yếu để hỗ trợ các địa phương xử lý các tình huống khi cần thiết ngay từ giờ đầu; cử đoàn xuống ngay địa bàn để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó cụ thể, phù hợp với tình hình của từng địa phương, tuyệt đối không bị động, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xẩy.
11. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan thông tin, thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến tình hình ATNĐ, bão, mưa, lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để mọi người dân biết, chủ động phòng tránh.
12. Tình hình diễn biến bão, lũ trong các ngày tới rất phức tạp, yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật, báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo kịp thời.