Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và lãnh đạo Sở VHTT&DL trao bằng công nhận Nghệ nhân dân gian cho 11 cá nhân.
Với những đóng góp trong quá trình hoạt động nghê thuật, đợt này, 11 cá nhân đã được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian; 6 cá nhân được tặng kỷ niệm chương vì có thành tích trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải trao kỷ niệm chương cho các cá nhân có thành tích trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.
Dịp này, hội thảo khoa học “Nghiên cứu, ứng dụng các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc ở Hà Tĩnh nhằm phát triển du lịch” cũng được tổ chức với sự tham gia của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh.
Nghệ nhân dân gian Hồng Oanh biểu diễn các làn điệu dân ca tại buổi lễ
Tại hội thảo, nhiều vấn đề chuyên môn được gợi mở, trao đổi như: gìn giữ, phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống một cách hiệu quả, bền vững; đề xuất giải pháp đưa các loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian của Hà Tĩnh như: Ví, giặm, trò Kiều… thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, gắn với du lịch, qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa quê hương đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng chỉ ra một số hạn chế trong quản lý, đầu tư, phát triển văn hóa dân gian hiện nay, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của các tỉnh bạn, các nước trong quá trình làm du lịch để góp phần giữ gìn, phát huy di sản quê hương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải chúc mừng các cá nhân được vinh danh trong quá trình hoạt động văn hóa.
Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, các nhà nghiên cứu văn hóa bằng tâm huyết, đam mê, năng lực của mình phải tạo “môi trường sống” để loại hình diễn xướng tồn tại, phát triển; phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.
Với đặc thù riêng biệt, loại hình diễn xướng rất dễ thất truyền nên cần phục dựng các không gian diễn xướng cho từng thể loại trong điều kiện cho phép.
Về vấn đề ứng dụng các loại hình này vào phát triển du lịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đây là một việc rất cần thiết nhưng cần nhiều nghiên cứu công phu, chuyên sâu trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở khung lý thuyết có sẵn, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, ứng dụng linh hoạt từng thể loại để phù hợp với tình hình thực tiễn, con người, lịch sử, văn hóa của địa phương mình.
Việc chuyên nghiệp hóa cách làm du lịch thông qua quảng bá di sản văn hóa dân gian rất quan trọng nhưng trong bối cảnh hiện nay, “dân dã hóa” còn quan trọng hơn; bởi có mang văn hóa phổ biến đến đông đảo công chúng thì mới tạo được sức lan tỏa, sức sống vững bền, phục vụ tốt cho quá trình phát triển của quê hương, đất nước.