Rà soát phương tiện học tập, phân nhóm học sinh
Dù đã được làm quen với hình thức dạy học trực tuyến từ trước, nhưng năm học 2021-2022, lần đầu tiên ngành GD&ĐT triển khai hình thức dạy học này ngay sau ngày khai trường cho học sinh bậc THCS, THPT. Lo lắng, băn khoăn là điều không thể tránh bởi một số học sinh chưa có thiết bị để học trực tuyến, việc triển khai dạy học ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… còn nhiều bất cập.
Trường THCS Đồng Tiến (Thạch Hà) tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được học trực tuyến bằng cách cho mượn Smartphone tặng kèm sim 4G.
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có hơn 121.000 học sinh bậc THCS, THPT tại 192 trường sẽ học trực tuyến sau ngày khai giảng. Qua khảo sát thực tế ở các bậc học cho thấy, đến thời điểm hiện tại, bậc THCS còn 8,5% học sinh thiếu phương tiện học tập, số lượng đó ở bậc THPT là 5%. Một số địa bàn khó khăn, tỷ lệ học sinh THCS còn thiếu thiết bị học tập cao như: Hương Khê 12,3%; Can Lộc 22%; Lộc Hà gần 16%...
“Trước tình hình đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, từ đó phân thành 3 nhóm: nhóm có phương tiện học tập; nhóm học sinh không thể học được trực tuyến nhưng có phụ huynh kèm cặp và nhóm không học được trực tuyến và phụ huynh không kèm cặp được. Từ đó, các trường có giải pháp tổ chức dạy học phù hợp, đạt hiệu quả; đảm bảo không để bất kỳ học sinh nào không được học tập", ông Nguyễn Quốc Anh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết.
Trên tinh thần chỉ đạo của ngành, các địa phương đã vào cuộc gấp rút để kịp thời chuẩn bị cho năm học mới.
Agribank Chi nhánh Can Lộc trao nguồn hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dạy học trực tuyến cho Trường THPT Nghèn (Can Lộc)
Thầy Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn chia sẻ: “Ngoài việc khảo sát, phân loại học sinh theo 3 nhóm học tập, chúng tôi cũng linh hoạt trong xây dựng chương trình. Theo đó, những phần kiến thức cốt lõi, những môn cần có sự tương tác lớn giữa học sinh và giáo viên sẽ được bố trí học trực tiếp khi tình hình dịch bệnh ổn định".
Tại Trường THCS Đồng Tiến (Thạch Hà), sau cuộc họp phụ huynh qua hình thức trực tuyến để thông báo kế hoạch năm học, trường đã gửi thư ngỏ để kêu gọi sự đồng hành của phụ huynh trong việc tạo điều kiện mua sắm trang thiết bị cho con học tập, tăng cường quản lý, nhắc nhở con em trong quá trình học tại nhà. Với 11 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể đầu tư thiết bị học tập, trường mua 11 máy smartphone cho các em mượn và tặng kèm sim 4G.
Em Hồ Thanh Mỹ dán nội quy học trực tuyến ở góc học tập để nhắc nhở bản thân thực hiện nghiêm túc.
Em Hồ Thanh Mỹ - học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở lớp 9E Trường THCS Đồng Tiến chia sẻ niềm vui: “Em không còn nỗi lo về việc học trực tuyến, bởi trường đã hỗ trợ phương tiện học tập. Em hứa sẽ sử dụng máy đúng mục đích và cố gắng học tập thật tốt”.
Các trường chuẩn bị điều kiện dạy học online
Để triển khai việc dạy học online, trước đó, các trường học đã tăng cường công tác tập huấn công nghệ thông tin cho giáo viên, hỗ trợ kỹ năng thao tác trong quá trình giảng dạy và thiết kế bài giảng sinh động, hấp dẫn, cuốn hút học sinh. Hầu hết các trường học cũng đã chuẩn bị sẵn sàng phòng dạy trực tuyến với đầy đủ các trang thiết bị, đường truyền Internet đảm bảo để nâng cao hiệu quả dạy học.
Thầy Nguyễn Thừa Mạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Tiến (Thạch Hà) cho biết: “Trường đã chuẩn bị 6 phòng dạy trực tuyến bằng cách ứng nguồn mua smarttivi, lắp đặt hệ thống camera, micro, kéo mạng LAN đến từng lớp để phục vụ dạy học trực tuyến. Mỗi lớp học, chúng tôi dự kiến bố trí 3 người, trong đó 1 giáo viên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, 1 giáo viên kiểm tra giám sát và 1 giáo viên hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ thông tin”.
Giáo viên Trường THCS Đồng Tiến chuẩn bị phòng dạy học trực tuyến.
Những ngày vừa qua, việc tổ chức gặp gỡ học sinh qua các nhóm lớp, phòng học trực tuyến cũng đã được các trường triển khai.
Thầy Lê Văn Định - giáo viên Trường THPT Nghèn (Can Lộc) cho biết: “Từ sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, các lớp đã tổ chức gặp gỡ học sinh bằng hình thức trực tuyến để cung cấp cho các em những thông tin cần thiết về giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy các môn học, sơ đồ lớp học, nội quy nhà trường, kế hoạch dạy học. Đồng thời, hướng dẫn học sinh chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho năm học mới”.
Để khắc phục khó khăn trong năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở lớp 6, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường dành nhiều thời gian căn dặn, hướng dẫn các em phương pháp học tập và những đổi mới của chương trình.
Đảm bảo quyền lợi cho học sinh được học tập trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã và đang linh hoạt các giải pháp phù hợp, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Huyện đoàn Thạch Hà hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh khó khăn Huyện đoàn Thạch Hà vừa kêu gọi nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho những học sinh khối THCS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Nằm trong chuỗi hoạt động “Tiếp sức tới trường năm 2021”, trước thềm năm học mới, Huyện đoàn Thạch Hà đã kêu gọi từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để trao tặng 6 chiếc điện thoại thông minh và 6 sim kết nội mạng 4G gói cước miễn phí 1 năm, với tổng kinh phí 15 triệu đồng cho các học sinh khối THCS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Thạch Đài, Tân Lâm Hương, Nam Điền và Đỉnh Bàn.
Trong mấy ngày qua, Đoàn cơ sở đã kêu gọi nguồn lực xã hội hóa tổ chức trao tặng 10 chiếc điện thoại di động, 120 suất quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Món quà ý nghĩa, thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời của tuổi trẻ Thạch Hà với mong muốn các em có thêm động lực, tự tin vươn lên trong học tập. Khắc Mai |