Đó là những cảnh báo được đưa ra tại hội nghị “Tuyên truyền vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng quy định” do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 14/8 tại Hà Tĩnh.
Lao động cư trú bất hợp pháp có xu hướng gia tăng
Dù được đánh giá là một trong những chương trình hợp tác lao động hiệu quả, không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương, nhưng do ý thức chấp hành pháp luật của người lao động không cao và người lao động không nhận thức được những hậu quả đặt ra khi bản thân hết hạn hợp đồng không về nước nên số lao động hết hạn hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp ngày càng gia tăng.
Theo ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm – ATLĐ - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), sau khi được Chính phủ Hàn Quốc đồng ý cho các huyện ven biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường được phép tham gia Chương trình EPS ngành ngư nghiệp thì tình hình lao động ở lại cư trú bất hợp pháp của Hà Tĩnh có chiều hướng gia tăng trở lại.
“Năm 2014, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp chiếm 41,2%; năm 2015 tỷ lệ tăng 42,6%; năm 2016 tăng lên 48,7%; 7 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ này đã tăng lên 52% (là một trong 6 tỉnh có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất cả nước). Đặc biệt, trong 6 tháng và tháng 7 đầu năm 2017, Hà Tĩnh đã phát sinh thêm 2 lao động bỏ trốn ngay sau khi đặt chân đến Hàn Quốc làm cho tình hình càng phức tạp hơn”, ông Dũng cho biết thêm.
Ông Đặng Sỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước phát biểu tại hội nghị.
Theo thống kê, tình hình lao động Hà Tĩnh cư trú bất hợp pháp đang là vấn đề hết sức nóng khi mà toàn tỉnh hiện đang có 1.288 lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, chiếm 52% tổng số lao động hết hạn hợp đồng. Năm 2016 và 2017, đã có 6 địa phương bị phía Hàn Quốc đình chỉ một phần chương trình đó là các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc và Kỳ Anh.
“Hiện nay, theo quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc, sẽ có 7 huyện nằm trong nhóm các địa phương có nguy cơ cao về việc bị đình chỉ tham gia chương trình ở tất cả các ngành nghề mà doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng. Đứng đầu trong các địa phương là huyện Nghi Xuân: 495 người, Cẩm Xuyên: 220 người, Đức Thọ: 88 người, Lộc Hà: 86 người, Thạch Hà: 77 người, Can Lộc: 71 người”, ông Đặng Văn Dũng lo ngại.
Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân phát biểu ý kiến
Cần chế tài đủ mạnh
Cùng với việc áp dụng các biện pháp xử lý chống trốn như: Thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng và xử phạt từ 80 đến 100 triệu đồng đối với lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, thời gian qua, các sở, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp Hà Tĩnh đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động gia điình và bản thân người lao động chấp hành đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng và các quy định của Chính phủ Hàn Quốc. Đến nay, toàn tỉnh đã tuyên truyền vận động 1.197 lao động về nước.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người lao động chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân, không biết nghĩ đến lợi ích của đất nước, của cộng đồng xã hội và lợi ích của hàng ngàn lao động khác đang mong muốn được đi làm việc tại Hàn Quốc. “Đây là nguyên nhân cơ bản và khó khăn nhất trong việc tuyên truyền, vận động lao động về nước đúng thời hạn”, ông Đặng Văn Dũng chia sẻ và cho biết thêm: “Các chế tài xử phạt đối với lao động vi phạm các quy định phát luật về XKLĐ còn nhiều vướng mắc. Đến nay, Hà Tĩnh vẫn chưa tiến hành xử phạt đối với người lao động vi phạm theo quy định”.
Đại diện các địa phương tham gia ký kết tuyen truyền vận động lao động về nước năm 2017
Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho rằng, ngoài việc tuyên truyền, vận động lâu dài và thường xuyên, các ngành chức năng cần có giải pháp mạnh về xử lý, xử phạt hành chính để có sức răn đe. Bộ LĐ-TB&XH cần phối hợp với phía Hàn Quốc, các cơ quan pháp luật của Hàn Quốc xử lý mạnh tay hơn đối với lao động cư trú bất hợp pháp như tổ chức truy quét, xử phạt thật nặng.
Về vấn đề này, ông Đặng Sỹ Dũng - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, bên cạnh thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt, các địa phương (cấp xã) cần thành lập tổ tư vấn để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các gia đình có người thân cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc kêu gọi con em trở về nước. Đồng thời, các hội đoàn thể, chính trị xã hội tích cực tham gia vận động đoàn viên, hội viên kêu gọi con, em hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.