Trong bối cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, cả hệ thống chính trị và người dân Hà Tĩnh đã thể hiện quyết tâm cao, chung sức, đồng lòng, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức.
Năm 2020, Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn so với nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh những ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, đợt “lũ chồng lũ” trong tháng 10 đã làm hư hỏng nhiều công trình hạ tầng KT-XH, nhiều diện tích cây trồng, thủy sản bị hư hại, cuốn trôi với tổng thiệt hại ước tính hơn 5.327 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn, với sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, biểu đồ kinh tế Hà Tĩnh đã có những điểm sáng, một số lĩnh vực đạt tăng trưởng khá so cùng kỳ.
Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế Hà Tĩnh. Sản xuất nông - lâm - thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ước đạt trên 90 triệu đồng/ha. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 58 vạn tấn (tăng 2,28 vạn tấn so với năm 2019).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình OCOP tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Kinh tế khu vực nông thôn cơ bản duy trì ổn định; cơ sở hạ tầng được nâng cấp, phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu từng bước đi vào chiều sâu.
Theo kết quả thẩm định của các sở, ban, ngành về mức độ đạt chuẩn các tiêu chí, năm 2020, có 17 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, năm 2020, có 250 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu, gần 2.000 vườn mẫu đạt chuẩn và 87 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 - 4 sao. Có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM (Thạch Hà, Đức Thọ); 3 huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM (Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Vũ Quang).
Tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu - sáng tạo của Hà Tĩnh với hàng rào xanh hiện hữu khắp các miền quê. Ảnh: Thanh Hoài
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, Hà Tĩnh đã tập trung cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp trong chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư. Nhờ đó, vốn đầu tư trong nước đạt trên 10.500 tỷ đồng (tăng 2,7% so với năm 2019), vốn đầu tư FDI đạt 1,5 triệu USD (tăng gấp 2,6 lần so với năm 2019).
Đại biểu ký kết biên bản ghi nhớ tại Hội nghị 9 tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng đường 8 và đường 12 lần thứ XXII
Để thực hiện mục tiêu “kép”, Hà Tĩnh đã triển khai các giải pháp cấp bách về tín dụng, thuế để hỗ trợ doanh nghiệp; ban hành quy định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 214/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phục hồi SXKD, thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Hà Tĩnh trong năm 2020 đó là, thu ngân sách nội địa ước đạt hơn 7.500 tỷ đồng (bằng 104,2% dự toán, bằng 103,7% so với năm 2019) - đây là năm có số thu ngân sách nội địa cao nhất từ trước tới nay.
Khách sạn 5 sao Vinpearl Hotel Hà Tĩnh cùng khu biệt thự, nhà ở liền kề do tập đoàn Vingroup đầu tư đã trở thành điểm nhấn cho thành phố. Ảnh: Huy Tùng
Để đạt kết quả này, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động, thành lập đoàn, tổ công tác thực hiện kiểm tra, đôn đốc giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư công trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện rút ngắn 1/2 thời gian thẩm định các nội dung liên quan đến dự án. Đồng thời, tiến hành rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn các dự án dự kiến đến ngày 31/12/2020 không giải ngân hết, với tổng số vốn đã điều chuyển trên 121 tỷ đồng.
Bên cạnh quyết tâm, nỗ lực và kết quả đạt được, năm 2020, Hà Tĩnh có 6/15 chỉ tiêu KT-XH không hoàn thành, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng không đạt: tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất kể từ năm 2016 lại nay. Thu thuế xuất nhập khẩu giảm mạnh, tổng thu ngân sách không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2019. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội thấp, đặc biệt là huy động vốn FDI chỉ đạt 30,5% kế hoạch, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu quan trọng khác. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Một số vùng, địa phương đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm.
Cầu Thọ Tường (Đức Thọ) khánh thành và đưa vào sử dụng góp phần quan trọng trong kết nối vùng với tỉnh Nghệ An và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh (tháng 10/2020)
Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII (diễn ra từ ngày 6 - 8/12/2020), Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đã thẳng thắn phân tích những tồn tại, hạn chế và không né tránh những nguyên nhân chủ quan. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; dự báo bối cảnh, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, khó lường… đòi hỏi phải hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm, bám sát cơ sở, tâm huyết, chủ động, đổi mới sáng tạo; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ năm 2021.
Những giải pháp cụ thể cũng được người đứng đầu chính quyền chỉ rõ: Chủ động, linh hoạt thực hiện mục tiêu kép, phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục phát triển kinh tế phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư và loại hình đầu tư để phát triển khu vực công nghiệp và dịch vụ, du lịch; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm.
Ảnh: NHóm PV
THIẾT KẾ: THÀNH NAM