Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần thông tin về quy định này với bạn đọc Báo Hà Tĩnh.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần.
- Xin bà cho biết cơ sở nào để xác định số lượng đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 giảm hơn so với nhiệm kỳ trước?
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Việc xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu ở mỗi đơn vị hành chính căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi năm 2019.
Cụ thể, việc xác định tổng số đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc: Đối với tỉnh không thuộc trường hợp miền núi, vùng cao có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 70 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu.
Theo số liệu thống kê do cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố tính đến ngày 31/12/2020, dân số tại Hà Tĩnh là 1.288.866 người. Đối chiếu với quy định trên, tổng số đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được bầu là 54 đại biểu (giảm 1 đại biểu được bầu so với nhiệm kỳ 2016 - 2021).
Tương tự như vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 cũng quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã theo hướng giảm so với nhiệm kỳ trước. Điều này xuất phát từ chủ trương tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”.
- Giảm số lượng đại biểu HĐND đặt ra vấn đề là làm thế nào để tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng hoạt động, bà có thể nói thêm về điều này?
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Để giải quyết được vấn đề này, cần chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu HĐND các cấp. Tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bầu cử HĐND các cấp cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng tham gia đại biểu HĐND.
Phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân trong việc lựa chọn đại biểu HĐND các cấp, đảm bảo Nhân dân lựa chọn đúng những người có đức, có tài, đại diện cho mình thực hiện quyền lực nhà nước.
Các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp xúc với các ứng cử viên, tăng cường đối thoại trực tiếp để người dân có đầy đủ thông tin chính xác, rõ ràng, có đủ độ tin cậy lựa chọn bầu cử những ứng cử viên mà mình tin tưởng.
Nâng cao vai trò các đại biểu chuyên trách, đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của đại biểu chuyên trách theo quy định.
Mỗi đại biểu HĐND cần tự nghiên cứu, rèn luyện, trau dồi kiến thức cho bản thân để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; gắn bó chặt chẽ với cử tri, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.