Cây đổ đè sập nhà dân ở Hương Đô (Hương Khê)
Đặc biệt, Quốc lộ 1A qua thị xã Kỳ Anh bị ách tắc nhiều giờ, nhiều tuyến giao thông liên xã thuộc các địa phương ven biển bị ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại.
Toàn tỉnh có trên 3.100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 ha nước ngọt và 1.100ha mặn lợ (800ha tôm và 300ha nhuyễn thể) bị ngập, hư hại hoàn toàn; đặc biệt có khoảng 60 tấn tôm của Công ty Graumet ở xã Kỳ Phương đã đến kỳ thu hoạch những chưa thu hoạch kịp bị thiệt hại nặng;
QL 1B đoạn qua TX Kỳ Anh bị ách tắc kéo dài
Gần 1.000 ha lúa mùa, nhiều diện tích rau màu bị bị ngập, hư hỏng; khoảng 8.000ha cây ăn quả bị hư hại, trong đó có 2.000 ha bưởi đang trong thời kỳ thu hoạch và 6.000 ha cam rất nhiều quả).
Chị Lê Thị Toàn (xóm 9, xã Phúc Trạch) xót xa nhìn vườn bưởi tan hoang sau bão
Cũng theo báo cáo sơ bộ được tổng hợp từ các địa phương, toàn tỉnh có hơn 63.000 nhà dân bị đổ, tốc mái; trong đó nhiều nhất là tại thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên; 29 thôn với gần 4.700 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông bị ngập; nhiều công trình trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông, thủy lợi,... bị hư hỏng nặng.
Hệ thống điện thắp sáng toàn tỉnh bị tê liệt từ lúc 10 giờ sáng 15/9; riêng tại thị xã Kỳ Anh, bão làm đổ sập cột ăng-ten Đài TT-TH và cột phát sóng Viettel làm mất liên lạc nhiều giờ.
Cột ăng-ten Đài TT-THthị xã Kỳ Anh bị sập đổ
Nhiều đoạn đê biển thuộc các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh bị nước tràn qua gây sạt và vỡ một số điểm: Tuyến đê biển Tả Nghèn - Lộc Hà bị vỡ và trôi cống Kho Muối và vỡ 25m đê; tuyến đê biển Cẩm Hà - Cẩm Lộc bị nước tràn qua với chiều dài trên 2km gây sạt lở, UBND huyện đã huy động nhân lực, vật tư, phương tiện chống tràn an toàn; tuyến đê Đá Bạc, huyện Nghi Xuân nước biển tràn qua đê làm ngập nhà dân.
CBCS Công an Hà Tĩnh xử lý cây đổ để giải phóng tuyến đường Hồ Chí Minh qua Hương Khê
Tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ngay sau khi bão tan, cần rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại để có giải pháp khắc phục cả trước mắt cũng như lâu dài. Trọng tâm trước mắt là huy động mọi lực lượng kịp thời hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống; khôi phục hệ thống điện, thông tin liên lạc để kịp thời phục vụ nhân dân và các ngành kinh tế.
Theo đánh giá, mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng giúp dân, cố gắng hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhưng bão số 10 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh nên thiệt hại còn lớn hơn nhiều.