Đoàn chủ tọa kỳ họp
Khám chữa bệnh tuyến xã bất cập, yếu kém
Trăn trở với những vấn đề trong khám chữa bệnh tuyến xã, các đại biểu Nguyễn Thị Nhi (Tổ đại biểu Nghi Xuân) và Võ Văn Phúc (Tổ đại biểu Hương Sơn) nêu thực trạng: chất lượng khám chữa bệnh và cơ chế BHYT thanh toán tuyến xã còn yếu kém, bất cập. Các đại biểu đề nghị ngành Y tế cho biết các giải pháp khắc phục?
Đại biểu Võ Văn Phúc chất vấn
Thừa nhận điểm yếu trong chất lượng khám chữa bệnh tuyến xã, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở trạm y tế xã chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực và thái độ làm việc, ý chí vươn lên của cán bộ y tế tuyến xã còn hạn chế. Ngành y tế chưa làm tốt việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến xã. Bên cạnh đó, nhiều trạm trưởng trạm y tế xã còn chưa tâm huyết.
“Ở nơi nào ông trạm trưởng còn có tủ thuốc ở nhà ngoài tủ thuốc của trạm y tế thì nơi đó trạm y tế xã khó đạt hiệu quả cao” - ông Châu nói.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu
Bên cạnh đó, theo quy định tuyến xã chỉ được thanh toán tối đa là 20% số đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở xã, vì vậy kinh phí hoạt động khám, chữa bệnh cho trạm y tế xã còn rất khó khăn.
Theo Giám đốc Sở, ngành Y tế đang hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cơ sở để tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời giảm áp lực cho tuyến trên. Vì vậy, những hạn chế, bất cập trong hoạt động trạm y tế xã sẽ được ngành tập trung khắc phục bằng nhiều giải pháp chuyên môn cũng như công tác quản lý, đồng thời ngành đã đề xuất Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định về tỷ lệ thanh toán cho tuyến xã một cách hợp lý.
Sẽ có trung tâm can thiệp tim mạch vào năm 2018
Đại biểu Đoàn Đình Anh và nhiều đại biểu khác cùng có sự quan tâm đến lộ trình thực hiện khám chữa bệnh kỹ thuật cao của ngành Y tế. Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần (Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên) băn khoăn, ở Hà Tĩnh có rất nhiều chuyên gia đầu ngành về xương khớp, tim mạch và hỗ trợ sinh sản, tuy nhiên, lại có đến 40% người dân Hà Tĩnh đăng ký khám chữa bệnh về các lĩnh vực này tại cơ sở y tế của Nghệ An. Vậy, ngành Y tế có lộ trình như thế nào trong thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao để hỗ trợ người bệnh?
Đại biểu Đoàn Đình Anh
Giải đáp những thắc mắc của đại biểu Nhuần, Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh đến năm 2020. Theo 5 nhóm tiêu chí, Bệnh viện tỉnh hiện là Bệnh viện vệ tinh của Viện Tim mạch Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai.
Tư lệnh ngành Y tế khẳng định, Hà Tĩnh là một trong số ít địa phương có Bệnh viện tuyến tỉnh được các bệnh viện đầu ngành hỗ trợ, chọn làm vệ tinh. Chính vì vậy, ngành đã chú trọng nâng cao năng lực nguồn nhân lực bằng việc tổ chức đào tạo, tập huấn; đánh giá cơ cấu tổ chức, năng lực cán bộ nhằm xác định các dịch vụ kỹ thuật mà Bệnh viện tỉnh có thể tiếp nhận. Ngoài ra, thông qua chuyển giao kỹ thuật từ các Bệnh viện Trung ương, Bệnh viện tỉnh đã tiết kiệm được chi phí và trích 30 tỷ đồng để phục vụ việc mua sắm các trang thiết bị.
Với những nỗ lực đó, việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao trong thời gian qua khá tốt. Điều này được minh chứng thông qua con số bệnh nhân chuyển tuyến giảm rõ rệt từ năm 2015 qua năm 2016. Điển hình, về sản khoa giảm từ 248 ca xuống còn 117 ca; chấn thương giảm từ 862 ca xuống 430 ca; tim mạch giảm từ 907 ca xuống 662 ca.
Giám đốc Châu khẳng định, ngành Y tế đã tích cực vận động Bộ Y tế giúp đỡ, hỗ trợ các máy móc, thiết bị phục vụ dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao. Theo đó, ngành sẽ quyết tâm xây dựng Trung tâm can thiệp tim mạch trong năm 2018.
Khám BHYT ở Nghệ An, thanh toán tại Hà Tĩnh có trái luật?
Làm rõ những thắc mắc của các đại biểu trước câu hỏi: “Có bao nhiêu địa phương trên toàn quốc thực hiện việc khám chữa bệnh BHYT ngoại tỉnh” và “những địa phương không thực hiện BHYT ngoại tỉnh có trái luật không”, Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu khẳng định: “Quy định người bệnh Hà Tĩnh tự thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo chế độ BHYT tại Nghệ An, sau đó đem hồ sơ để BHXH Hà Tĩnh thanh toán là không trái luật”.
Đại biểu Trương Thanh Huyền chất vấn Giám đốc Sở Y tế
Theo Thông báo số 718/BHXH ngày 24/7/2017 đến người dân trên địa bàn Hà Tĩnh nếu đi khám chữa bệnh theo chế độ BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải tự thanh toán chi phí khám chữa bệnh với cơ sở y tế (trừ trường hợp cấp cứu) và mang hóa đơn chứng từ về thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Giám đốc BHXH tỉnh Hoàng Văn Minh
Giải trình thêm về vấn đề này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hoàng Văn Minh thông tin, hiện nay, Hà Tĩnh là địa phương có chi phí khám chữa bệnh ngoại tỉnh lớn, xếp vào tốp đầu cả nước. Năm 2016, chi phí này chiếm 48% quỹ khám chữa bệnh BHYT, tăng 16% so với năm 2015. Với mức chi phí hiện nay, ước tính riêng các bệnh viện tuyến huyện của Nghệ An tiêu của quỹ BHYT của Hà Tĩnh từ 130 - 150 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng quỹ được sử dụng của cả tỉnh Hà Tĩnh.
“Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện khám chữa bệnh BHYT ngoại tỉnh và về thanh toán. Sau khi thí điểm tại Hà Tĩnh, việc chi trả BHYT ngoại tỉnh sẽ được Bộ Y tế áp dụng tại các địa phương khác”, ông Minh khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu hết sức trăn trở, với hình thức thanh toán BHYT trái tuyến này, người dân gặp nhiều khó khăn, phiền toái. Đặc biệt là người nghèo, những gia đình đặc biệt khó khăn khi họ phải tự bỏ tiền thanh toán ở các bệnh viện ngoại tỉnh, sau khi điều trị xong mới được nhận lại tiền ở bệnh viện cùng tuyến tỉnh.
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Y tế dẫu được đánh giá là khá đầy đủ nhưng vẫn để lại nhiều băn khoăn và đặt ra những vấn đề cần giải quyết sớm trong thời gian tới.