Thầy Trần Hậu Tú - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT tỉnh khẳng định điều này khi trao đổi về tinh thần chỉ đạo của ngành đối với việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại phục vụ việc học tập trên lớp theo điều 37 của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT (về điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học).
Phù hợp với xu thế đổi mới
Để thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, mấy năm nay, Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong một số giờ dạy của trường.
Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong một số tiết học ở Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu đã được triển khai từ 2 năm học gần đây.
Ở một số tiết Toán, thay vì phải tiếp cận với những công thức, phương trình khô khan, việc truyền đạt kiến thức cho học sinh đã được giáo viên mạnh dạn thay thế bằng các trò chơi, bằng những câu hỏi, kiến thức được tích hợp trong phần mềm máy tính kết nối với điện thoại của học sinh.
Thầy Dương Đình Thọ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu cho biết: “Phương pháp dạy học này đã thay đổi không khí, tạo hứng thú và mang lại hiệu quả cao cho học sinh trong các giờ học. Đặc biệt, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại để học trực tuyến trong đợt nghỉ dịch Covid-19 đã giúp các em không bị gián đoạn về kiến thức”.
Từ dữ liệu trên máy tính hoặc máy chiếu được kết nối với điện thoại học sinh đã tạo nên hiệu quả cao trong những giờ học.
Tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên), với việc ứng dụng Google Forms, cô Nguyễn Thị Mai giáo viên Địa lý của trường đã giúp hàng ngàn học sinh THPT ở Hà Tĩnh ôn luyện và làm quen với hình thức thi trắc nghiệm qua chiếc điện thoại thông minh.
Tiện ích của ứng dụng Google Forms là sau khi giáo viên soạn câu hỏi trắc nghiệm trên ứng dụng, gửi đường link cho học sinh qua gmail, zalo hay facebook messenger và cài đặt thời gian làm bài, học sinh chỉ cần kích vào đường link đăng nhập thông tin và làm bài. Sau khi hoàn tất gói câu hỏi, các em nhấn nút gửi và có ngay điểm số, biết đáp án chính xác và phần giải thích cho những câu trả lời sai.
Ứng dụng Google Forms giúp học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn thuận tiện trong việc luyện thi trắc nghiệm hoặc các giờ kiểm tra.
Vượt xa mục đích ban đầu đặt ra là nâng cao hiệu quả dạy học môn Địa lý 12, ứng dụng Google Forms của cô Mai đã được các trường THPT trên toàn tỉnh áp dụng cho tất cả các môn thi trắc nghiệm qua việc ôn thi tốt nghiệp THPT và một giờ kiểm tra.
Cô Nguyễn Thị Mai cho biết: “Tôi nghĩ, việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là một xu thế hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, hiện có nhiều ứng dụng, phần mềm tiện ích phù hợp với phương pháp dạy học tích cực mà giáo dục đang hướng tới”.
Thực hiện Thông tư 32 linh hoạt phù hợp từng địa bàn, cấp học
Tại Hà Tĩnh, ngoài dịp nghỉ dịch Covid-19, việc sử dụng điện thoại trong giờ học hầu như mới chỉ ứng dụng tại các trường THPT. Tại các trường này, cùng với việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, ban giám hiệu đã đồng thời thực hiện các giải pháp quản lý, giám sát.
Thầy Hoàng Quốc Quyết - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) cho biết: “Để quản lý, giám sát học sinh trong quá trình các em sử dụng điện thoại, nhà trường xây dựng nội quy, quy định về việc sử dụng điện thoại để phổ biến cho học sinh. Ngoài vai trò của ban giám hiệu, nhà trường yêu cầu giáo viên giám sát chặt chẽ".
"Thời gian tới, khi Thông tư 32 được thực hiện rộng rãi thì viêc tăng cường quán triệt nội quy, nhắc nhở các em về vấn đề này sẽ được thực hiện thường xuyên qua các giờ chào cờ, ngoại khóa, sinh hoạt lớp và trong mỗi một giờ học” - thầy Quyết khẳng định.
Em Nguyễn Thị Hồng Nhung - lớp 12A7 Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Em nghĩ rằng việc sử dụng điện thoại trong học tập có hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi học sinh. Em đã cố gắng tắt hết các ứng dụng không liên quan đến việc học trên điện thoại. Ngoài sự nhắc nhở của giáo viên, chúng em thường xuyên giám sát nhắc nhau để điện thoại được sử dụng đúng mục đích phục vụ cho học tập”.
Đối với các trường THCS, việc triển khai Thông tư 32 sẽ được triển khai linh động, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mỗi trường.
Đối với việc triển khai Thông tư 32 tại các trường THCS, nhiều giáo viên cho rằng, hiện nay, nhiều giờ học cũng đã khai thác các học liệu điện tử, thực hiện qua hệ thống smart tivi, máy chiếu, qua các hoạt động nhóm…Bởi vậy, việc triển khai cho học sinh sử dụng điện thoại ở các trường THCS là có thể nhưng chỉ nên triển khai ở các khối lớp 8, 9 bởi các em đã lớn, có ý thức hơn trong việc sử dụng điện thoại..
Tuy nhiên, cùng với việc áp dụng quy định mới, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong kiểm soát việc sử dụng điện thoại của học sinh; thường xuyên tuyên truyền, định hướng cho các em về văn hóa sử dụng điện thoại, ý thức tự giác chấp hành nội quy, quy chế của trường đối với vấn đề này.
Thực tế ở Hà Tĩnh, điều kiện để học sinh sử dụng điện thoại phục vụ việc học tập cũng chưa đồng đều. Phần lớn học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hệ thống mạng của nhiều trường không đảm bảo, nhiều gia đình học sinh chưa có điều kiện để mua điện thoại hoặc không đồng ý cho con sử dụng điện thoại sớm… Vì thế, ở bậc học THCS và các trường liên cấp, việc thực hiện Thông tư 32 vẫn đang được nhiều trường học cân nhắc trước khi đưa ra quyết định thực hiện.
Theo cô Nguyễn Thị Hường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc, “chúng tôi đang chỉ đạo chuyên môn rà soát thực tế, lấy ý kiến các trường để có sự định hướng phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện”.
"Trên cơ sở thực tế, việc áp dụngThông tư 32 sẽ được thực hiện linh động phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng trường, từng địa bàn, với sự đồng thuận của phụ huynh” - thầy Trần Hậu Tú, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết.