Nguyễn Thị Kim Anh tại phiên xét xử sơ thẩm (TAND tỉnh 6/2022).
Nắm được mong muốn của nhiều người, Nguyễn Thị Kim Anh (giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Thư) đã hứa hẹn ngon ngọt xin cho con vào biên chế các ngành: công an, bệnh viện, kế toán... trong các cơ quan Nhà nước, hải quan, sân bay… khiến nhiều người cay đắng mất số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tháng 4/2017, con gái của bà V.T.L. (SN 1965, trú phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh) tốt nghiệp Khoa Quản trị văn phòng (Đại học Thành Đô, Hà Nội). Từ vài tháng trước đó, vợ chồng bà L. đã “ăn không ngon, ngủ không yên”, nóng lòng dò hỏi tin tức về các vị trí, đơn vị tuyển dụng liên quan đến ngành học của con.
Trong một lần đi chợ, vô tình gặp hàng xóm là Nguyễn Thị Kim Anh, bà L. bắt chuyện và được biết, đợt này, các thí sinh đang tham gia thi tuyển, xét tuyển công chức tại TX Kỳ Anh. Nếu con gái bà L. có nguyện vọng vào vị trí văn phòng, Kim Anh sẽ lo lót để đảm bảo trúng tuyển.
“Được lời như cởi tấm lòng”, bà L. không giấu được nỗi vui mừng. Theo bà L, Nguyễn Thị Kim Anh cam kết nếu con gái thi đỗ, toàn bộ chi phí hết 150 triệu đồng và nếu không, gia đình chỉ mất 20 triệu tiền làm hồ sơ, thủ tục... Tin tưởng, bà L. đã đưa cho người này tổng số tiền 150 triệu đồng. Theo lời hứa của hàng xóm, nếu sau 2 tháng không xin được việc sẽ trả lại tiền cho bà L. Vậy nhưng, sau nhiều tháng chờ đợi, việc thi tuyển của con gái vẫn giẫm chân tại chỗ khiến bà L. vô cùng sốt sắng.
Đầu năm 2018, chứng kiến nhiều người dân tụ tập trước cửa nhà Nguyễn Thị Kim Anh đòi nợ, bà L. tìm hiểu và ngỡ ngàng khi biết rằng, mình đã trở thành nạn nhân.
Đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng về hành vi phạm tội của bị cáo.
Được biết, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2017, Nguyễn Thị Kim Anh đã vay mượn tiền của nhiều người với tổng số tiền gần 5,9 tỷ đồng nhưng không có khả năng hoàn trả. Để mượn được tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân, Kim Anh đã đưa ra thông tin gian dối như: vay tiền để đảo khế ngân hàng, vay tiền cho người khác giải quyết công việc, vay tiền trong một thời gian ngắn sẽ trả lại, vay lần này nữa rồi sẽ thanh toán hết các khoản nợ trước đó... Ngoài ra, Kim Anh còn bịa chuyện có khả năng xin được việc làm để lừa tiền chạy việc.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2019, Nguyễn Thị Kim Anh đã thực hiện 57 lần lừa đảo chiếm đoạt của 26 bị hại trên địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Ninh Thuận với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Thị Kim Anh đã trả lại một phần cho 11 người bị hại với tổng số tiền gần 600 triệu đồng, còn lại gần 6,5 tỷ đồng, nữ giáo viên này không có khả năng hoàn trả.
Bà N.T.T (trú phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh) đã đưa cho Kim Anh 200 triệu đồng để xin việc cho con gái.
Tham gia phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Kim Anh vào ngày 20/6/2022, nhiều bị hại đã bày tỏ thái độ bức xúc, gay gắt trước hành vi lừa đảo của kẻ phạm tội.
Theo tìm hiểu, 20 năm công tác trong ngành giáo dục và giảng dạy tại Trường Tiểu học Kỳ Thư, Nguyễn Thị Kim Anh đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi và từng đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở. Nói về khoản nợ “khổng lồ” gần 5,9 tỷ đồng từ năm 2009 đến cuối năm 2017, bị cáo cho rằng: do bản thân không tỉnh táo, đi vay lãi nóng nên “lãi mẹ đẻ lãi con”. Trong suốt thời gian dài, bị cáo luôn sống trong cảm giác lo sợ, ám ảnh khi liên tục bị đòi nợ. Chính vì vậy, nữ giáo viên này đã làm đủ mọi cách, viện đủ mọi lý do để có thể tiếp tục vay tiền, thậm chí lừa đảo.
Trước Hội đồng xét xử, Nguyễn Thị Kim Anh cũng đã trình bày về sự bi đát của mình và gửi lời xin lỗi đến gia đình các bị hại. Tuy nhiên, lời nói của kẻ phạm tội không nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ phía người tham dự phiên tòa.
Tham gia phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Kim Anh vào ngày 20/6/2022, nhiều bị hại đã bày tỏ thái độ bức xúc, gay gắt trước hành vi lừa đảo của kẻ phạm tội.
Hội đồng xét xử đã làm rõ thêm các nội dung liên quan đến khoản tiền 5,9 tỷ đồng mà Nguyễn Thị Kim Anh vay mượn trước thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, đây là quan hệ dân sự, vay mượn thông thường, không cấu thành tội phạm. Vì vậy, không xem xét, giải quyết trong vụ án này, các bên liên quan tự giải quyết hoặc có thể khởi kiện dân sự để xem xét xử lý. Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa cũng phân tích cho bị hại nhìn nhận rõ hành vi của mình. Chỉ vì nôn nóng trước câu chuyện việc làm của con em, các bậc phụ huynh đã sẵn sàng thỏa hiệp.
Khép lại vụ án, Nguyễn Thị Kim Anh bị tuyên phạt 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời, phải bồi thường cho các bị hại gần 6,5 tỷ đồng.