Thầy Cao Ngọc Châu - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: Thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành từ cơ sở dữ liệu ngành.
Thầy Cao Ngọc Châu - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh.
Công tác điều hành, quản lý của ngành GD&ĐT Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh thành nói chung đang sử dụng theo trục cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong quá trình gỡ khó cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo, hoạch định, kế hoạch; tạo thuận lợi trong việc xây dựng chiến lược phát triển của ngành.
Thực tế cho thấy, cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành đã được vận hành tốt, đạt hiệu quả như mong muốn. Đó là sự đổi mới mô hình quản lý, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; kết nối cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với các hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành để cung cấp dịch vụ số, liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về GD&ĐT như báo cáo, thống kê, theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo và thanh tra, kiểm tra trong ngành dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và công nghệ số. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị, quản lý GD&ĐT, góp phần xây dựng kinh tế số, xã hội số và chính phủ số theo định hướng của chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Cô Nguyễn Thị Hường - Trưởng phòng GD&ĐT Can Lộc: Thay đổi nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Hường - Trưởng phòng GD&ĐT Can Lộc.
Để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tạo sự chuyển biến trong giảng dạy, học tập, một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là con người.
Xác định rõ điều đó, thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức các đợt bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhiều chuyên đề cấp phòng, cụm, trường về bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, giáo viên cũng đã được triển khai.
Thông qua các hoạt động bồi dưỡng và ý thức không ngừng nỗ lực học hỏi của đội ngũ cán bộ, giáo viên đã mang lại những hiệu quả tích cực. Đến nay, phần lớn giáo viên đã thành thạo việc soạn giảng bài giảng điện tử; sử dụng học liệu số trực tuyến, phần mềm hỗ trợ để truyền tải nội dung bài giảng phong phú, hiệu quả hơn.
Việc sử dụng hồ sơ chuyên môn điện tử như: sổ điểm, giáo án, lịch báo giảng, học bạ, sổ chủ nhiệm... cũng đã góp phần giúp các cơ sở giáo dục dễ dàng kiểm soát các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dạy và học, quản lý kết quả kiểm tra, đánh giá, xếp loại.
Thầy Lê Mạnh Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn: Nhiều tiện ích từ số hóa hoạt động quản lý giáo dục.
Thầy Lê Mạnh Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn.
Những năm qua, Ban Giám hiệu Trường THPT Hương Sơn đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý. Để thực hiện tốt việc số hóa, nhà trường đã thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng internet, khai thác sử dụng các phần mềm phục vụ dạy học và quản lý, tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên sử dụng các phần mềm liên quan.
Ngoài số hóa trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn, việc ứng dụng CNTT được nhà trường áp dụng linh hoạt trong công tác quản lý học sinh. Theo đó, trường đã khai thác, sử dụng hệ thống quản lý chuyển đi, chuyển đến, xếp lớp, thời khóa biểu, sổ điểm, sổ đầu bài, lịch báo giảng, giáo án, quản lý thông tin sức khỏe học sinh, quản lý thiết bị dạy học... thông qua phần mềm VnEdu khá hiệu quả. Phần mềm này tạo tiện ích cho phụ huynh trong việc theo dõi, nắm bắt quá trình học tập của con em để kịp thời có sự phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn trong hỗ trợ học sinh học tập.
Đặc biệt, hệ thống điểm danh thông minh thông qua nhận diện khuôn mặt để quản lý học sinh đã phát huy tác dụng tích cực. Học sinh đến trường điểm danh sẽ được cập nhật lên hệ thống VnEdu, nhờ vậy, giáo viên, phụ huynh đều nhận được thông tin cập nhật về quá trình đi học của con em mình.
Cô Hoàng Thị Như Ý - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Hàm Nghi (Thạch Hà): Nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Cô Hoàng Thị Như Ý - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Hàm Nghi (Thạch Hà).
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đặc biệt là việc triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi mỗi giáo viên phải thay đổi để thích ứng.
Tôi cho rằng, vai trò của giáo viên thời 4.0 không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức mà còn giúp học trò trang bị các kỹ năng để kịp thời thích ứng với quá trình hội nhập. Bởi thế, thời gian qua, cùng với công tác tập huấn, bồi dưỡng của ngành, giáo viên chúng tôi đã phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nghiên cứu tài liệu, học qua các phần mềm trực tuyến...
Đến nay, tôi cũng đã ứng dụng thành tạo CNTT để khai thác các phần mềm, học liệu điện tử vận dụng linh hoạt vào bài giảng. Đối với bộ môn Ngữ văn, để làm sinh động thêm bài giảng của mình, tôi thường khai thác thêm các hình ảnh, thông tin trên internet kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống. Từ đó, những giờ học đã trở nên hào hứng, hấp dẫn hơn, các em mạnh dạn, tự tin khi thể hiện năng lực của mình. Ngoài ra, thông qua các hoạt động kết nối, hoạt động nhóm, học sinh cũng đã có cơ hội phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc chiếm lĩnh kiến thức.