Hà Tĩnh nỗ lực ngăn ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

(Baohatinh.vn) - Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng ngày càng gia tăng, các ngành chức năng tại Hà Tĩnh đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa.

Hà Tĩnh nỗ lực ngăn ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Số lượng bị cáo trong vụ án Lê Huy Nhật (SN 1993, trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lên tới hơn 90 người.

Mới đây nhất, ngày 21/11, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa sơ thẩm lần 1 xét xử bị cáo Lê Huy Nhật (SN 1993, trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cùng 90 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là vụ án có số lượng bị cáo lớn nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, số lượng bị hại lên tới 544 người.

Quá trình điều tra cho thấy, Nhật cùng đồng bọn lập nhiều fanpage bán mỹ phẩm rồi chạy quảng cáo trên facebook để tuyển cộng tác viên (CTV) bán hàng với mức thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Với lời mời gọi hấp dẫn, dù không có khách, CTV vẫn được hưởng 50.000 đồng/ngày. Nếu có khách, nhận 100.000 đồng/ngày kèm hưởng tiền chênh lệch từ 10 - 20%/sản phẩm bán ra. Điều đáng nói, tất cả các mỹ phẩm này đều là hàng giả, hàng kém chất lượng, được rao bán với giá cao gấp hàng chục lần chi phí thực. Khi CTV nhận được hàng và phát hiện bị lừa cũng là lúc đại diện công ty cắt đứt liên lạc.

Từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021, đường dây này đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 6,3 tỷ đồng của 544 người ở Hà Tĩnh và các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Do vắng mặt một số bị cáo cùng 543 người bị hại, phiên tòa lần 1 đã phải tạm hoãn.

Hà Tĩnh nỗ lực ngăn ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Phạm Quang Tuân, Chu Văn Tuấn và Nguyễn Thị Xuyên lừa đảo gần 450 triệu đồng của bà T.T.X.

Một vụ án khác nhận được sự quan tâm của dư luận Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua là việc bà T.T.X. (SN 1960, trú xã Thiên Lộc, Can Lộc) bị lừa gần 450 triệu đồng vì mua thuốc trị nám qua mạng.

Do thiếu cảnh giác, bà X. đã bị các nhân viên của Công ty Wall Street (trụ sở tại TP Hà Nội) gồm Chu Văn Tuấn (SN 1998, trú huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), Phạm Quang Tuân (SN 1997, trú huyện Ba Vì, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Xuyên (SN 1993, trú huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) sử dụng sim rác, đưa ra thông tin gian dối “nộp phí làm thủ tục hoàn tiền” để chiếm đoạt tài sản của bà X.

Hà Tĩnh nỗ lực ngăn ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Công an huyện Thạch Hà làm việc với chị N.T.H. (trú xã Thạch Sơn) xung quanh các nội dung chị H. trình báo.

Đầu năm 2022, Công an huyện Thạch Hà nhận được đơn trình báo của một người dân ở xã Thạch Sơn là chị N.T.H. (SN 1980) về việc chồng chị (đang XKLĐ tại Hàn Quốc) bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt gần 120 triệu đồng qua mạng xã hội facebook.

Theo đó, nắm bắt được nhu cầu nâng hạn mức giao dịch chuyển tiền của chồng chị H., Ngô Văn Trường (SN 1989, trú huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) đã tạo facebook giả để liên hệ và yêu cầu nạn nhân cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để đăng nhập vào tài khoản bị hại rồi chiếm đoạt tài sản.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Công an huyện Thạch Hà đã tiếp nhận 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, chiếm đoạt số tiền hơn 1,5 tỷ đồng của người dân, trong đó đã khởi tố 3 vụ/7 đối tượng.

Hà Tĩnh nỗ lực ngăn ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Nguyễn Văn Hiếu (SN 2001, trú xã Phúc Trạch, Hương Khê) lập các facebook ảo, đăng ảnh đại diện là những cô gái trẻ trung, xinh đẹp để kết bạn, chiếm đoạt gần 64 triệu đồng.

Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 47 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trong đó, có 25 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (chiếm 53,2%) với 96 đối tượng (chiếm 82,76%).

Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, cấu kết thành đường dây, hoạt động liên tỉnh, chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trong cả nước.

Từ ngày 30/9/2021 đến 30/9/2022, tòa án 2 cấp tỉnh Hà Tĩnh đã xét xử 16 vụ/32 bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Trong đó, TAND tỉnh xét xử 2 vụ/11 bị cáo, tòa án cấp huyện xét xử 14 vụ/21 bị cáo.

Hà Tĩnh nỗ lực ngăn ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Công an xã Việt Tiến (Thạch Hà) tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng cho người dân.

Từ các vụ lừa đảo xảy ra trên địa bàn, lực lượng chức năng Hà Tĩnh xác định, nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng loại tội phạm này một phần xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của người bị hại. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản có thể xảy ra, việc nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm và cung cấp đầy đủ thông tin thủ đoạn tội phạm cho người dân là biện pháp quan trọng, hữu hiệu nhất.

Hà Tĩnh nỗ lực ngăn ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Việc nâng cao nhận thức của người dân là một trong những giải pháp góp phần hạn chế, đẩy lùi tội phạm lừa đảo qua mạng.

Đại úy Phùng Khắc Đông - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an huyện Thạch Hà) cho hay: “Thời gian qua, đơn vị đã chủ động triển khai, phân công cán bộ, chiến sỹ tăng cường xuống cơ sở, lồng ghép nội dung tuyên truyền dưới nhiều hình thức, phù hợp với đặc điểm đặc thù của người dân ở từng vùng để đảm bảo phát huy hiệu quả phòng ngừa tội phạm cao nhất”.

Lực lượng Công an huyện cũng tích cực phối hợp với công an các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền tập trung tại các nhà văn hóa thôn, lồng ghép vào các cuộc hội họp, sinh hoạt trên địa bàn; phát, dán pano, áp phích và đến từng hộ dân để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã thực hiện tuyên truyền cho 41.590/41.598 hộ dân trên địa bàn (đạt tỷ lệ 99,99%).

Hà Tĩnh nỗ lực ngăn ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Tờ rơi về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt qua mạng được Công an TP Hà Tĩnh dán tại Nhà ở xã hội (phường Thạch Linh) để người dân nâng cao cảnh giác. .

Trong khi đó, Công an TP Hà Tĩnh đã thiết kế bộ áp phích để truyền tải thông tin tóm tắt 14 thủ đoạn phổ biến của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Hình ảnh tuyên truyền được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội và in thành tờ rơi dán tại các điểm công cộng, nhà dân. Các thủ đoạn được Công an TP Hà Tĩnh cảnh báo là hack tài khoản mạng xã hội để mượn tiền, giả danh cơ quan thực thi pháp luật và lãnh đạo, mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội, lừa đảo mua hàng trực tuyến, lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, giả chuyển tiền nhầm để ép vay…

Chánh án TAND tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu cho biết: “Cùng với việc tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, chúng tôi sẽ tập trung cao cho công tác xét xử loại tội phạm này. Tất cả các vụ án đều phải được xét xử nghiêm minh, tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội và tiến hành tuyên truyền rộng rãi để bà con nắm bắt. Qua đó, góp phần kiềm chế, đẩy lùi loại tội phạm này, đưa lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân”.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.