Điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt nhưng còn thiếu vốn là một trong những giải pháp cấp bách được Hà Tĩnh thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.
Mục sở thị tuyến đê biển đoạn từ xã Cổ Đạm đến xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) chúng tôi ghi nhận không khí lao động hối hả của công nhân để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình.
Ông Nguyễn Viết Hưng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND huyện Nghi Xuân cho hay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, huyện vừa đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ vừa thường xuyên giám sát chất lượng công trình. Đây là dự án lớn của địa phương với kế hoạch vốn đầu tư 82 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 62 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 75%. Dự kiến đến ngày 30/9, dự án sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn.
Đơn vị thi công đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến đê biển đoạn từ xã Cổ Đạm đến xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (ảnh trái). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn “đốc thúc” huyện Nghi Xuân đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn (ảnh trái).
“Tính đến 15/8, toàn huyện Nghi Xuân đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương với khoảng 60% kế hoạch và đảm bảo được mốc thời gian, tiến độ tỉnh giao” – ông Hưng hồ hởi khoe thêm.
Tương tự, tại xã Hương Giang (huyện Hương Khê), mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng công nhân cũng đang tất bật để hoàn thành những hạng mục cuối cùng của công trình cầu Hương Giang, vừa sớm phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư của địa phương.
Dự án cầu Hương Giang đang được huyện Hương Khê đôn đốc hoàn thành những hạng mục cuối cùng để quyết toán, góp phần “đẩy” cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch UBND huyện Hương Khê, do nhiều nguyên nhân, tỷ lệ giải ngân của huyện trong nửa đầu năm 2020 rất thấp (dưới 40%). Song với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, Hương Khê đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vào 31/12. Với những khó khăn, vướng mắc, huyện đã có văn bản xin hướng dẫn của tỉnh để sớm tháo gỡ.
Dự án “Sống chung với lũ huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh” đang được triển khai đảm bảo tiến độ... Ảnh: Tiến Dũng
Là một trong trong những đơn vị có nguồn vốn được giao lớn nhất, những ngày qua, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đang đôn đáo tìm điểm “nghẽn” để tháo gỡ, bởi trong 7 tháng đầu năm, đơn vị chỉ giải ngân đạt 31% kế hoạch. Kết quả chỉ trong 1 tháng, đến cuối tháng 8/2020, BQL đã giải ngân được hơn 170 tỷ đồng, qua đó đẩy tỷ lệ lên hơn 60%.
Thông xe kỹ thuật cầu Thọ Tường ngày 13/8 (ảnh trên). Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh giới thiệu các thông số thiết kế và tiến độ xây dựng cầu Thọ Tường (ảnh dưới). Ảnh: Thanh Hoài
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra tiến độ thi công, công tác giải phóng mặt bằng tuyến đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh thuộc dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng. Ảnh: Thanh Hoài
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, trong thời gian qua, kết quả giải ngân của các chủ đầu tư ở Hà Tĩnh đã tăng lên đáng kể, góp phần đưa tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt khá, cao hơn mức trung bình chung cả nước. Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, đến ngày 25/8, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là 7.108,243 tỷ đồng, đã giải ngân 4.053,321 tỷ đồng (đạt 57%). Trong đó, giải ngân nguồn vốn địa phương quản lý là 3.726,455 tỷ đồng (đạt 59,2%), vốn Trung ương quản lý 326,866 tỷ đồng (đạt 40,4%).
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC: Hà Tĩnh đã có những biện pháp quyết liệt trong đẩy mạnh giải ngân vốn, đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra tiến độ thi công, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Với kết quả giải ngân đạt 43% (báo cáo tại cuộc họp ngày 2/7) lên hơn 64% (dự kiến hết tháng 8/2020), đây là sự nỗ lực lớn trong giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn Hà Tĩnh. |
Dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam. Ảnh: Hoài Nam
Đến thời điểm hiện nay, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh có tiến độ giải ngân nhanh, đạt tỷ lệ cao. Có thể kể đến như: Dự án công trình sống chung với lũ huyện Vũ Quang đã giải ngân 67,9 tỷ đồng (đạt 91%); dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam đã giải ngân 128,679 tỷ đồng (88%); dự án cải thiện cơ sở hạ tầng các xã vùng ngập lụt tỉnh Hà Tĩnh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đạt tỷ lệ giải ngân 120,664 tỷ đồng (71%)... Một số địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao như: Đức Thọ, Hương Sơn, huyện Kỳ Anh, Can Lộc…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cho biết, để đôn đốc các ngành, địa phương giải ngân, Hà Tĩnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn làm việc cụ thể với 30 địa phương, đơn vị được bố trí vốn. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng trực tiếp đi kiểm tra tiến độ thi công, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng trao đổi với phóng viên Báo Hà Tĩnh về giải pháp đẩy mạnh giải ngân những tháng cuối năm.
UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; đẩy mạnh quyết toán dự án đầu tư hoàn thành; quy định về khen thưởng, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư công, lấy kết quả làm căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh trực tiếp đến các dự án, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư.
ảnh: p.v
thiết kế: huy tùng