Ngay sau khi Chỉ thị 01/CT-TTg được ban hành, Hà Tĩnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân. UBND tỉnh ban hành công văn; Công an tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung nhằm tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Thực hiện các nội dung văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH được quan tâm, nhiều mô hình an toàn PCCC tại cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư được xây dựng và nhân rộng.
Người dân thị trấn Đức Thọ tham gia xây dựng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”.
Là một trong những điểm sáng của huyện Đức Thọ trong triển khai lắp đặt mô hình tổ liên gia an toàn về PCCC, thị trấn Đức Thọ đã triển khai thực hiện 13 mô hình. Ông Thái Sơn Vinh - Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho biết: “Mô hình tổ liên gia an toàn về PCCC phù hợp tại những nơi đông dân cư, làng nghề bởi mỗi hộ gia đình lắp đặt 1 chuông báo cháy tại nơi thuận tiện, nếu không may xảy ra hỏa hoạn, chỉ cần 1 nhà báo cháy cả ngõ đều nghe thấy chuông và sẵn sàng ứng cứu”.
Đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo xây dựng, nhân rộng trên toàn tỉnh hơn 250 mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”, 374 tổ liên gia an toàn PCCC, 422 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, 27 mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC”, 2 mô hình chợ an toàn PCCC, mô hình chợ an toàn PCCC và CNCH; 22 mô hình tổ xung kích, tình nguyện PCCC; 1 mô hình tổ tự quản về PCCC rừng; 1 mô hình tổ tự quản làng nghề an toàn về PCCC...
Toàn tỉnh đã vận động được hơn 313.000 hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy (đạt 91,6%).
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu “Vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy” theo Chỉ thị 01/CT-TTg, thời gian qua, các lực lượng chức năng, cơ quan, địa phương ở Hà Tĩnh đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trang bị bình chữa cháy.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, địa phương đã phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa để mua, tặng bình chữa cháy cho các hộ gia đình. Đến nay, đã vận động được hơn 313.000 hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy (đạt 91,6%); xây dựng, kiện toàn 1.936 đội dân phòng/1.936 khu dân cư, với 20.340 đội viên; thành lập 2.736 đội PCCC cơ sở/2.736 cơ sở, với 25.832 đội viên...
Tháng 9/2023, 39 tổ liên gia ở Hà Tĩnh cùng với các địa phương trong toàn quốc đã đồng loạt tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại “tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy”.
Lực lượng Công an PCCC&CNCH cũng tổ chức 294 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, thu hút hơn 33.700 người tham gia; 3.082 lớp tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cơ bản về PCCC và CNCH cho chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh và người dân trong khu dân cư với hơn 415.071 người tham gia; 2 đợt tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH tại 9 địa điểm thu hút 15.179 người tham gia; 62 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH có tổng 4.079 người tham gia; tổ chức tuyên truyền về PCCC trên 140.000 lượt qua hệ thống cụm loa phát thanh phường, xã, thôn, xóm...
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn sử dụng hình thức tuyên truyền trên các bảng led khu vực công cộng, màn hình lịch làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp, quán karaoke, thang máy của các chung cư, khách sạn...
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Hà Tĩnh tổ chức trải nghiệm thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn tỉnh.
Những nỗ lực trong công tác PCCC&CNCH đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trong công tác PCCC. Qua đó, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra cháy lớn và cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản. Trên địa bàn chỉ xảy ra 110 vụ cháy và sự cố cháy, làm bị thương 3 người, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 4,411 tỷ đồng và 22,9 ha rừng, thực bì, cây bụi, cây cỏ bị cháy... Số vụ cháy giảm so với cùng kỳ năm 2022 là 14 vụ.
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục triển khai đồng loạt các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC; phát động phong trào mỗi người dân là một “chiến sỹ” PCCC.
Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức huấn luyện, tập huấn, hội thao, hội thi về nghiệp vụ, chiến thuật PCCC cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, chuyên ngành, lực lượng tổ liên gia an toàn PCCC; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, giáo dục với tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC theo quy định...”.