Hà Tĩnh rà soát các khu vực nguy hiểm để chủ động sơ tán dân khi thời tiết phức tạp

(Baohatinh.vn) - Trước dự báo mưa lớn, các địa phương ở Hà Tĩnh đã chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ ống, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân.

sat-lo-dat-4.jpg
Dòng nước đục ngầu từ trên núi chảy về khu dân cư ở thôn Lâm Khê, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn.

Chiều 17/9, khu vực thôn Lâm Khê, xã Sơn Lâm (huyện Hương Sơn) có mưa dông. Dù lượng mưa không lớn và kết thúc nhanh, tuy nhiên, dòng nước đục ngầu từ trên khe núi đã đổ về khá mạnh vào con suối chảy qua mảnh vườn gia đình anh Phạm Văn Danh (SN 1983) và gia đình bà Nguyễn Thị Ái (SN 1966).

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi mùa mưa lũ tới, nỗi lo sạt lở, lũ ống, lũ quét lại khiến gia đình anh Danh, bà Ái thấp thỏm. Sự lo lắng của 2 gia đình này là điều dễ hiểu khi nhiều diện tích đất trong vườn đã bị dòng nước chảy mạnh cuốn trôi.

sat-lo-dat-1.jpg
Gia đình anh Danh và gia đình bà Ái chung tiền xây dựng tường chắn dài gần 40m, cao 3m để ngăn xói lở đất trong vườn.

Cùng chung nỗi lo sạt lở vào mùa mưa lũ là hộ ông Lê Minh Lương (SN 1965). Căn nhà của hộ ông Lương cùng nhiều hộ dân khác ở thôn Lâm Giang, xã Sơn Lâm nằm ngay dưới chân núi Đá Bạc. Nguy hiểm hơn, mảng núi phía sau ngôi nhà của gia đình ông Lương đã xuất hiện vết nứt lớn, có nước chảy ra mỗi khi có mưa lớn.

“Vết nứt xuất hiện vào mùa mưa lũ từ 2 năm trước và qua từng năm, vết nứt lại có dấu hiệu ngày một lớn hơn. Lo lắng nên gia đình đã xây dựng tường chắn nhưng cũng chỉ để hạn chế thiệt hại tài sản nếu chẳng may xảy ra sạt lở, chứ khi có yêu cầu sơ tán của địa phương, gia đình phải chấp hành ngay”, ông Lê Minh Lương chia sẻ.

sat-lo-dat.jpg
Khu vực núi Đá Bạc phía sau nhà ông Lê Minh Lương xuất hiện vết nứt lớn, có nước chảy ra mỗi khi có mưa to.

Ngoài gia đình anh Danh, bà Ái và ông Lương, tại xã Sơn Lâm có 60 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nếu mưa lớn kéo dài, diễn biến phức tạp. Hầu hết các hộ dân này đều sinh sống dọc theo các đồi, núi.

Ông Phan Tố Hữu – Công chức Địa chính UBND xã Sơn Lâm cho hay: Trước thực tế của địa bàn, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, từ đầu tháng 9, chính quyền xã đã triển khai việc rà soát, nắm danh sách các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Quá trình rà soát, địa phương nắm số lượng thành viên trong từng gia đình, số điện thoại liên hệ khi cần thiết cùng địa điểm di dời an toàn và giao cán bộ thôn phụ trách việc sơ tán các hộ dân khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn Trần Quang Hòa cho hay: Qua rà soát, trên địa bàn huyện hiện có 474 hộ với 1.607 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất; 296 hộ với 997 nhân khẩu trong vùng nguy cơ lũ quét.

Các xã có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, sạt lở ven sông, lũ quét tập trung ở Sơn Châu, Sơn Tiến, Sơn Ninh, Sơn Bình, Sơn Trà, Sơn Trung, Sơn Trường, Quang Diệm, Sơn Lâm, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hàm, Sơn Hồng, thị trấn Phố Châu…

sat-lo-dat-3.jpg
Khu dân cư sinh sống dưới chân núi luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét khi mưa lớn kéo dài.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, ngay khi bước vào mùa mưa bão, huyện Hương Sơn đã lên các “kịch bản” cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), nhất là việc chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để sẵn sàng di dời dân tới nơi an toàn.

Đến nay, tất cả các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét đều đã được rà soát. Địa phương đã nắm bắt số lượng, lấy số điện thoại, bố trí khu vực sơ tán, phương tiện di chuyển. Cán bộ các thôn, xã/thị trấn sẽ yêu cầu người dân di dời ngay khi có tình huống phức tạp về thời tiết.

sat-lo-dat-7.jpg
Các hộ dân sinh sống dưới chân núi Nam Giới ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà nằm trong diện phải di dời khi mưa lớn diễn biến phức tạp.

Tại Thạch Hà, các hộ dân sinh sống dưới chân núi Nam Giới ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn cũng thấp thỏm lo âu khi có dự báo mưa lớn diện rộng trong vài ngày tới. Sự lo lắng này xuất phát từ việc sạt lở vào mùa mưa lũ cách đây 4 năm khiến hàng chục nghìn khối đất đá tràn từ trên núi xuống nhà, vườn, khu chăn nuôi của các hộ dân.

Theo ghi nhận, ngay khu vực các hộ dân thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn xây dựng nhà cửa, có khe nước từ núi Nam Giới đổ xuống. Trường hợp mưa lớn kéo dài, nguy cơ cao xảy ra sạt lở, sụt trượt đất đá, ảnh hưởng tới tài sản, tính mạng người dân.

sat-lo-dat-5.jpg
Mùa mưa lũ năm 2020, khu vực núi Nam Giới đã từng xảy ra sạt lở đất, ảnh hưởng tới các hộ dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - Nguyễn Văn Sáu cho hay: Địa phương đã từng tính tới phương án di dời các hộ dân sinh sống dưới chân núi Nam Giới tới nơi ở mới, song, vì nhiều lý do, đến nay, việc di dời vẫn chưa thể thực hiện được. Trước dự báo Hà Tĩnh có mưa lớn, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đoàn công tác của huyện đã xuống kiểm tra, chỉ đạo xã Đỉnh Bàn chủ động phương án để di dời các hộ dân sinh sống dưới chân núi, vùng nguy cơ sạt lở cao tại thôn Tân Phong về nơi tránh trú an toàn.

sat-lo-dat-9.jpg
Rà soát, nắm rõ từng hộ dân trong vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để sẵn sàng di dời, sơ tán người dân tới nơi an toàn là điều hết sức cần thiết.

Mùa mưa lũ những năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra khá nhiều vụ sạt lở đất, ảnh hưởng tới các tuyến giao thông, nhà dân. Ông Trần Đức Thịnh - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Qua rà soát của các địa phương, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.122 hộ dân với 3.920 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét và 1.254 hộ với 4.366 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, sạt lở ven sông. Các địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét như xã Sơn Hồng, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn); xã Lâm Hợp, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh), xã Hương Liên, Hương Lâm (huyện Hương Khê), xã Hương Quang (Vũ Quang), xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà), xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân)...

Trước dự báo mưa lớn gây ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ ứng phó, trong đó, tiến hành kiểm tra, rà soát ngay các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả. Đồng thời, tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có thiên tai xảy ra...

Video: Cán bộ Địa chính xã Sơn Lâm nói về quá trình di dời dân khi có nguy cơ lở đất, lũ quét.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa gây cảm giác rất khó chịu cho người bệnh. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Với bệnh nhân suy giáp bẩm sinh, ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng đối với chức năng tuyến giáp, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km.
Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do tác động của Toraji, từ đêm 10/11, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12.
Yoga chệch chuẩn

Yoga chệch chuẩn

Mỗi người tập luyện yoga cần tìm hiểu, tuân thủ các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, quy tắc đảm bảo ANTT nơi công cộng để hình ảnh vốn rất đẹp đẽ của yoga không bị méo mó.
Tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe

Tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe

Việc ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm giúp hỗ trợ não bộ, tim mạch, hệ miễn dịch, làn da khỏe mạnh... Và tư thế bạn ngủ cũng rất quan trọng. Vậy đâu là tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe?