Hà Tĩnh tăng cường phát triển kinh tế gắn với chủ động phòng chống đại dịch

(Baohatinh.vn) - Nhận định dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, khó lường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu chủ động các giải pháp phòng chống, đồng thời triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ban hành chỉ thị số 44-CT/TU ngày 12/6/2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Theo dõi chặt công dân trở về từ nước ngoài

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và nhân dân Hà Tĩnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đạt những kết quả tích cực; tình hình dịch bệnh được kiểm soát; không lây lan trong cộng đồng. Tuy vậy, đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện, sâu rộng đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Hà Tĩnh tăng cường phát triển kinh tế gắn với chủ động phòng chống đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện, sâu rộng đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao khi người Việt Nam ở nước ngoài đang tiếp tục nhập cảnh về trên địa bàn, nhất là một bộ phận về qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, khó lường, do vậy cần chủ động có các giải pháp phòng, chống dịch; đồng thời để triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng nhân lực, phương tiện và chủ động triển khai các phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ, không để lây lan ra cộng đồng.

Tổ chức cách ly, theo dõi chặt chẽ đối với công dân trở về từ nước ngoài, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào làm việc và sinh viên các nước nhập cảnh vào học tập trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Quán triệt sâu sắc, cụ thể các định hướng lớn, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội theo Kết luận số 77-KL/TW, ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ hoạt động bình thường trong điều kiện mới, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.

Hà Tĩnh tăng cường phát triển kinh tế gắn với chủ động phòng chống đại dịch

Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá khách quan, toàn diện tác động, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, xác định rõ các cơ hội và thách thức, đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới; có kế hoạch, lộ trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh nghiên cứu sửa đổi, ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng: Đối với nhóm chính sách cần sửa đổi, bổ sung: Thống nhất thực hiện điều chỉnh, bổ sung một số chính sách liên quan đến phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh trên nguyên tắc đảm bảo các thủ tục và thẩm quyền theo quy định; cách thức thực hiện dễ hiểu, dễ áp dụng, khả thi; triển khai chính sách đồng bộ, thống nhất và kịp thời.

Đối với các chính sách đã ban hành chưa triển khai hoặc đã triển khai thực hiện nhưng đạt kết quả thấp: Xác định rõ nguyên nhân, nút thắt, tham mưu giải pháp tháo gỡ, sửa đổi, điều chỉnh (cả về quy trình, điều kiện hỗ trợ, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, chấn chỉnh trong khâu tổ chức thực hiện...) để kịp thời hỗ trợ, giải ngân kinh phí, khuyến khích đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với các chính sách có tính dài hạn cho giai đoạn 2021 - 2025, nghiên cứu, xây dựng đề án trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm.

Đối với nhóm chính sách mới có tính đặc thù: Thống nhất ban hành chính sách mới hỗ trợ hoạt động xuất khẩu; chính sách tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành du lịch. Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung, chính sách mới có tính đặc thù sẽ được xây dựng, tích hợp thành chính sách tổng thể, không làm riêng lẻ và được áp dụng đến hết năm 2020.

UBND tỉnh chỉ đạo các ban, sở, ngành chủ động chuẩn bị hướng dẫn thực hiện các chính sách để ban hành sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 622/TTg-KTTH, ngày 26/5/2020 và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Văn bản số 2274-CV/TU, ngày 1/6/2020, trong đó tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục đầu tư, tránh máy móc, cầu toàn, trì trệ, đùn đẩy; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương; tổ chức khởi công, triển khai ngay các dự án lớn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện để tạo quỹ đất, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án; rà soát, thu hồi vốn đối với các dự án đầu tư công giải ngân không đạt yêu cầu, bố trí cho dự án khác.

Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức

Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển. Nâng cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.

Hà Tĩnh tăng cường phát triển kinh tế gắn với chủ động phòng chống đại dịch

Ngành Thuế Hà Tĩnh đang tăng cường các giải pháp hỗ trợ DN phát triển sản xuất

Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm. Xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện, đặc biệt là người đứng đầu.

Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, chủ động đề xuất UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh; chủ động cơ cấu lại doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp; tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, trong tỉnh, đồng thời mở rộng thị trường, hướng tới phát triển bền vững.

Chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 28/2/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ VII.

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là bảo vệ an toàn tuyệt đối đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Tổ chức thực hiện

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh hoàn thiện Đề án phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 và các cơ chế, chính sách trình HĐND tỉnh xem xét thông qua theo hướng phân quyền, giản lược quy trình, thủ tục, đảm bảo thực hiện hiệu lực, hiệu quả.

Đảng đoàn HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định; tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành đảm bảo hiệu quả.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh kịp thời quán triệt, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tính chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để tập trung nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế; thực hiện hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa.

Ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, kịp thời các chính sách sau khi có hiệu lực, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh và người dân. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn; hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi các chính sách.

Các Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các thành viên theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị ở địa phương, đơn vị theo địa bàn phụ trách.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm