Hà Tĩnh tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc phê duyệt phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá đảm bảo đúng quy định pháp luật, sát với giá thị trường.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức liên quan về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong thời gian qua, để đánh giá tình hình hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất của một số địa phương và tổ chức đấu giá tài sản. Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản các địa phương đã tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Hoạt động của các tổ chức đấu giá từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động đấu giá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất một số trường hợp chưa tuân thủ quy định tại Chương II Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; việc đánh giá, lựa chọn tổ chức đấu giá chưa chặt chẽ, khách quan, có trường hợp mang tính hình thức; công tác giám sát chưa thường xuyên, còn thiếu sót, buông lỏng; một số tổ chức đấu giá chưa thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, các quy định về quy chế cuộc đấu giá, thông báo công khai, tiền đặt trước;

Năng lực hoạt động của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản còn hạn chế; còn có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, “cạnh tranh” không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người tham gia đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản tuy đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương…

Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu như: Việc tổ chức thi hành và áp dụng pháp luật về đấu giá ở một số nơi còn chưa nghiêm; một số tổ chức, cá nhân có có tài sản thiếu trách nhiệm trong việc giám sát bán đấu giá tài sản; tình trạng thông đồng, dìm giá diễn ra khá tinh vi, phức tạp, việc thực hiện kiểm tra thông thường khó phát hiện; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, việc xử lý chưa mang tính răn đe cao…

Hà Tĩnh tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất

UBND tỉnh đề nghị đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm của tài sản đấu giá (Ảnh minh họa).

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá, nâng cao trách nhiệm của người có tài sản; chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất và hoạt động của các tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Tư pháp

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đấu giá tài sản có hiệu quả bằng các hình thức phù hợp với yêu cầu, điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đấu giá thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo đúng quy định.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về tổ chức, hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản, việc thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên và công tác lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của người có tài sản đấu giá. Kịp thời chấn chỉnh và xử lý hoặc tham mưu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 57/2019/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 của UBND tỉnh ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khách quan về trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản; nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của Đấu giá viên, của tổ chức đấu giá tài sản.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính:

- Tham mưu chỉ đạo việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất đảm bảo đúng quy định pháp luật, sát với giá thị trường.

- Đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

- Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc đưa tài sản là quyền sử dụng đất ra đấu giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá và các tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá. Kịp thời phát hiện các hành vi tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm về đấu giá tài sản và thẩm định giá để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nhằm đảo bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

3. Công an tỉnh:

- Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá, nhất là các cuộc đấu giá tài sản công có giá trị lớn.

- Thường xuyên nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản theo thẩm quyền. Tăng cường đấu tranh, trấn áp đối với các tổ chức, cá nhân, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền để chi phối cuộc đấu giá, các hành vi cản trở người tham gia đấu giá.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Tĩnh chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng khác khi thực hiện giao dịch về tiền đặt trước tham gia đấu giá tài sản phải đảm bảo chính xác, giữ bí mật thông tin về người nộp tiền đặt trước và người tham gia đấu giá theo quy định

5. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.

- Nghiêm túc tổ chức thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định tại Chương II Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP. Khuyến khích lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, hiệu quả. Chú trọng kiểm tra việc đăng thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản. Nếu có vi phạm có thể xem xét hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc phê duyệt phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá đảm bảo đúng quy định pháp luật, sát với giá thị trường. Khi xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá không đặt thêm các điều kiện, yêu cầu không có cơ sở pháp lý đối với người tham gia đấu giá làm hạn chế việc đăng ký tham gia đấu giá.

- Đánh giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đúng, đầy đủ theo các tiêu chí quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 và hướng dẫn tại Công văn số 1949/BTP-BTTP ngày 14/6/2022 của Bộ Tư pháp, đảm bảo tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn phải có uy tín, năng lực. Không được đặt thêm các yêu cầu lựa chọn thiếu cơ sở pháp lý, không phù hợp với tài sản đấu giá. Thực hiện nghiêm túc quy định về lựa chọn tổ chức đấu giá và công bố các thông tin liên quan đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá, đảm bảo tính công khai, minh bạch góp phần hạn chế tình trạng “sân sau”, tiêu cực trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

- Tổ chức giám sát thường xuyên, chặt chẽ các giai đoạn của quá trình tổ chức đấu giá tài sản, nhất là hành vi gây khó khăn, cản trở người có nhu cầu tham gia đấu giá trong việc mua, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia; đẩy mạnh giám sát việc niêm phong, bảo quản và mở hòm phiếu, kiểm phiếu trả giá, điều kiện của người tham gia đấu giá, công bố phiếu trả giá nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Chú trọng phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản. Tăng cường quán triệt trách nhiệm của các thành viên tham gia giám sát.

- Thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn về thù lao đấu giá, chi phí đấu giá tài sản (kể cả trường hợp đấu giá không thành) cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định.

- Thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp về hoạt động đấu giá để theo dõi, phối hợp xem xét xử lý kịp thời vi phạm (nếu có).

6. Các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh:

- Thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Quyết định số 57/2019/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 của UBND tỉnh, quy định pháp luật khác có liên quan và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp về hoạt động đấu giá tài sản; đảm bảo tổ chức đấu giá trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đúng quy định của pháp luật.

- Thông báo công khai việc đấu giá, ban hành Quy chế cuộc đấu giá đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản và người tham gia đấu giá. Kiểm soát chặt chẽ điều kiện của người tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

- Tăng cường giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên tại tổ chức mình.

Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức đấu giá tài sản báo cáo về Sở Tư pháp để hướng dẫn nghiệp vụ, trường hợp vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định

Tin liên quan:

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm