Thời gian qua, cùng với nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp trong giao dịch hành chính, Hà Tĩnh đã tập trung quyết liệt cho công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích số đang là yêu cầu cấp thiết được đặt ra cho các sở, ngành, địa phương.
Ông Hoàng Tùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: “Thời gian qua, trung tâm đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân và doanh nghiệp làm quen và từng bước thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến đối với các TTHC đủ điều kiện. Thông qua việc thường xuyên hỗ trợ và hướng dẫn các quy trình đã dần tạo được thói quen, kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thao tác sử dụng dịch vụ công trực tuyến, giảm tải thời gian, công sức cho người dân”.
Qua tổng hợp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có trên 90% số hồ sơ nộp trực tuyến (áp dụng đối với các TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến), trong đó, ở cấp sở, ngành đạt 88,5%, cấp huyện đạt 98% và cấp xã đạt trên 91%.
Để tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến dịch cao điểm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Triển khai từ ngày 9/5 đến hết ngày 30/9/2024, chiến dịch đề ra nhiều mục tiêu quan trọng như: tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 70%; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 90%; tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến ở cấp tỉnh đạt 50%, cấp huyện đạt 45%, cấp xã đạt 40% trở lên; tỷ lệ thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt 80%, cấp xã đạt 75%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa, đạt 70%; tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ TTHC được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%; tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần khi thực hiện giải quyết TTHC đạt 100%...
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương có dịch vụ công thiết yếu rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ TTHC để lựa chọn, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện đơn giản hóa, tái cấu trúc lại quy trình thực hiện, lược bỏ các bước trung gian không cần thiết, các thành phần hồ sơ đã có trong cơ sở dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện. Rà soát, hoàn thiện các điều kiện để phục vụ tốt nhất việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết trong tiếp nhận, xử lý TTHC; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của cán bộ tại các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố…
Ngay khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch, các đơn vị, địa phương đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn. Trong đó, tập trung cao cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến; tăng cường hướng dẫn thanh toán trực tuyến qua tài khoản khi giao dịch hành chính; hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng - kỹ thuật, chữ ký số và tích hợp cơ sở dữ liệu để phục vụ quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến.
Bà Trần Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Hành chính công thị xã Kỳ Anh cho biết: "Thị xã đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 100% TTHC thuộc thẩm quyền đủ điều kiện. Để nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thị xã đang tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn các người dân trong việc thanh toán phí, lệ phí trực tuyến; rà soát, nâng cấp trang thiết bị tại bộ phận một cửa cấp xã, phường; tăng cường triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết trong tiếp nhận, xử lý TTHC; phát huy mạnh mẽ vai trò của 78 tổ chuyển đổi số trong cộng đồng và từng cán bộ, công chức để nâng cao nhận thức cho người dân về dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số".
Theo ông Dương Văn Tuấn – Phó Giám đốc Sở TT&TT, để người dân và doanh nghiệp thực sự nắm bắt và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến thì vai trò của các tổ chuyển đổi số trong cộng đồng là hết sức quan trọng. Các tổ chuyển đổi số cộng đồng cần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, hỗ trợ từng hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thanh toán trực tuyến. Người biết dịch vụ công trực tuyến dạy người chưa biết để tạo sự lan tỏa.
Đồng thời, các địa phương cần tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Đối với cán bộ, công chức làm việc tại các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa, cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp lựa chọn, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và triển khai thí điểm một số TTHC, một số ngày không nộp văn bản giấy. Xử lý và phản hồi kịp thời các thông tin cho người dân, doanh nghiệp liên quan đến thành phần hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí. Quan tâm tổ chức tôn vinh, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chuyển đổi số cộng đồng và các cá nhân có nhiều thành tích, mô hình, sáng kiến, cách làm hay trong chuyển đổi số.