Lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, địa phương, gia tộc dâng hương, hoa tại khu mộ Đại thi hào Nguyễn Du
Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch, GS Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền tham dự lễ.
Lễ giỗ Đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức lần đầu vào ngày 8/9/1924 (10/8 năm Giáp Tý) và là lần duy nhất đến thời điểm này giỗ cụ được tổ chức cấp quốc gia.
Nhà giáo Vũ Ngọc Khôi tuyên đọc Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du.
Lễ giỗ Đại thi hào Nguyễn Du lần này là sự kiện quan trọng chào mừng Đại hội Hội Kiều học Việt Nam lần thứ II (nhiệm kỳ 2016-2020), đồng thời khởi động cho công tác chuẩn bị kỷ niệm 200 năm mất của cụ vào năm 2020.
Ông Nguyễn Ban, đại diện dòng họ Nguyễn - Tiên Điền phát biểu ý kiến
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh khẳng định, đây là sự khởi động rất đáng quý cho việc tiến tới Lễ giỗ 200 năm Đại thi hào Nguyễn Du; là dịp để thế hệ ngày nay, thành kính bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc những đóng góp thiên tài của Đại thi hào Nguyễn Du đối với đất nước và nhân loại. Chúng ta nguyện mãi mãi gìn giữ, phát huy các di sản quý báu của Đại thi hào để lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở VHTT&DL, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu lưu niệm Nguyễn Du, Chi hội Kiều học tại Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân phối hợp để thực hiện quy hoạch tổng thể, bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm để xứng đáng với công lao to lớn của Đại thi hào dân tộc - Người làm rạng danh cho quê hương Hà Tĩnh, cho nền văn học nước nhà và cho nền văn hóa nhân loại.
Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam cũng bày tỏ: Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với tầm vóc và vị thế khó ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều - đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại.
GS Phong Lê đọc lời phát biểu của Hội Kiều học nhân ngày giỗ thứ 196 năm Đại thi hào
3254 câu của Truyền Kiều, câu nào mà không gắn vào tâm trí, vào con tim và bộ nhớ của mỗi công dân Việt Nam trong suốt 200 năm qua. Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, xem ra câu được chọn, với ý tưởng thích hợp nhất, để nói là tâm nguyện chung của chúng ta, sẽ là: “Của tin gọi một chút này làm ghi”. “Của tin”, trong tâm thế dân tộc Việt Nam đó là một vật thiêng , một kỷ niệm quý giá, hoặc vô giá...
Nhà thư pháp Thế Anh tặng bức thư pháp ghi bốn câu thơ của Tố Hữu “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.