Hà Tĩnh vận dụng sáng tạo bài học “dựa vào dân”, tạo đồng thuận xã hội

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, công tác dân vận của hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã được phát huy, thể hiện rõ nét.

Nổi bật, bao trùm nhất là trong công tác vận động Nhân dân phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, huy động được cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.

Hà Tĩnh vận dụng sáng tạo bài học “dựa vào dân”, tạo đồng thuận xã hội

Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng giấy khen cho 7 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2020. Ảnh Thu Hà, chụp ngày 29/12/2020.

Công tác dân vận đã được Hà Tĩnh áp dụng linh hoạt, sáng tạo trong từng thời điểm, công việc cụ thể, nhất là trong công tác vận động Nhân dân giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra đã tạo hệ lụy, khó khăn lớn nhưng tỉnh nhà đã nhanh chóng ổn định tình hình, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của Nhân dân, Hà Tĩnh đã đạt được kết quả nổi bật, thuộc tốp đầu của cả nước, hoàn thành kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra và được Chính phủ chọn là địa phương duy nhất làm thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới của cả nước.

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hà Tĩnh có 80 xã thuộc diện phải sáp nhập. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến yếu tố con người, tác động đến lợi ích của rất nhiều cán bộ ở cơ sở. Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đại đa số Nhân dân đồng tình, ủng hộ nên việc sáp nhập các đơn vị hành chính đạt được kết quả tốt.

Hà Tĩnh vận dụng sáng tạo bài học “dựa vào dân”, tạo đồng thuận xã hội

Nhờ làm tốt công tác dân vận, sau sáp nhập, các địa phương ở Hà Tĩnh đi vào hoạt động ổn định. Ảnh: Thu Hà, chụp ngày 12/10/2020

Gần đây, trong phòng chống đại dịch Covid-19, Hà Tĩnh là địa phương có nhiều tiềm ẩn, mức độ rủi ro cao. Nhờ biết dựa vào dân, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động được nội lực to lớn trong Nhân dân nên công tác phòng chống dịch mang lại hiệu quả cao. Trong từng thời điểm, công việc cụ thể, công tác dân vận của hệ thống chính trị được thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp đã giúp tỉnh nhà ổn định tình hình để phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Để thực hiện được mục tiêu đó trong điều kiện dự báo có nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi Hà Tĩnh phải tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Thời gian tới, công tác dân vận của hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy trách nhiệm lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức Đảng đối với công tác dân vận, nhất là trách nhiệm của ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy. Căn cứ vào các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và yêu cầu thực tiễn của tỉnh trong từng thời điểm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định những vấn đề quan trọng về công tác vận động quần chúng trong toàn tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, nhất là trong phối hợp vận động Nhân dân xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh ở cơ sở.

Đồng thời, lãnh đạo, định hướng nội dung hoạt động, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Hà Tĩnh vận dụng sáng tạo bài học “dựa vào dân”, tạo đồng thuận xã hội

Ông Phạm Văn Đạo - Trưởng thôn 6, xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên (người ngồi bên phải) vận động người dân hiến đất mở đường, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Ảnh Thu Phương, chụp tháng 12/ 2020.

Thứ hai, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong công tác dân vận. Quan tâm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận thành các nghị quyết của HĐND tỉnh và các cơ chế, chính sách của tỉnh, với mục tiêu hướng tới vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, quan tâm nâng cao hiệu quả việc chỉ đạo tổ chức thực hiện, đưa các nghị quyết, chính sách vào cuộc sống.

Đặc biệt, trong chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách có tính nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Nhân dân cần được thực hiện bài bản, cẩn trọng, đảm bảo quy trình; chú trọng các biện pháp về tuyên truyền, vận động, giải thích cho Nhân dân hiểu, đồng thuận thực hiện. Công tác dân vận của các cơ quan chính quyền rất quan trọng, vì phần lớn các công việc của dân đều liên quan trực tiếp đến chính quyền, do chính quyền giải quyết. Nếu chính quyền làm tốt chức trách của mình là “phục vụ Nhân dân” có nghĩa là chính quyền đã làm tốt công tác dân vận.

Thứ ba, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức năng tham mưu và nòng cốt trong công tác tập hợp, vận động Nhân dân. Đảng ban hành các chủ trương, nghị quyết, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; các cơ quan chính quyền có trách nhiệm cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết bằng các quyết định, chính sách, kế hoạch để tổ chức thực hiện; MTTQ và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân đồng thuận thực hiện.

Để thực hiện tốt trách nhiệm của mình, trước hết, cán bộ MTTQ và các đoàn thể nhân dân phải nắm vững các chủ trương, chính sách, hiểu được công việc của các cơ quan chính quyền. Đồng thời, các cơ quan chính quyền có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, lấy ý kiến đóng góp của MTTQ và các đoàn thể nhân dân từ khâu xây dựng dự thảo đến ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách. Có như vậy, các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách của tỉnh mới sát yêu cầu thực tiễn và sớm đi vào cuộc sống.

Hà Tĩnh vận dụng sáng tạo bài học “dựa vào dân”, tạo đồng thuận xã hội

Thực hiện thành công mô hình dân vận khéo, xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) đã tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án lớn. Trong ảnh: Người dân thôn Hải Phong 1 và Hải Phong 2 làm thủ tục nhận tiền đền bù dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2. Ảnh Thu Trang, chụp ngày 21/1/2021.

Thứ tư, bên cạnh những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo có thể làm suy giảm đến công tác dân vận của Đảng, sự phát triển của mạng xã hội cũng có tác động sâu rộng, khả năng lan tỏa cao, chi phối đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, hành động của người dân. Các thế lực thù địch dễ dàng lợi dụng khuyết điểm của một cán bộ, đảng viên nào đó nhằm “tạo sóng” trên truyền thông xã hội, hòng hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Do vậy, cần có các hình thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp để nắm bắt kịp thời tình hình Nhân dân, trong đó, chú ý theo dõi những vấn đề mà người dân và dư luận xã hội quan tâm, những diễn biến trên mạng xã hội để có hình thức giải quyết phù hợp. Trong giải quyết, phải quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Phải xem mạng xã hội là môi trường hoạt động của công tác dân vận, phát huy những yếu tố tích cực của mạng xã hội để làm công tác dân vận. Mỗi một cán bộ, đảng viên phải có ý thức tuyên truyền, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đồng thời, có hình thức phù hợp để định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, lệch lạc, xấu, độc trên mạng xã hội.

Đảng ta xem công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Do vậy, công tác dân vận cần “đi trước một bước” để làm cho Nhân dân hiểu, Nhân dân tin, Nhân dân ủng hộ. Có như vậy, “ý Đảng” mới phù hợp với “lòng dân”, tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển tỉnh nhà văn minh, giàu mạnh.

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.