Tàu M5 hành trình nghiệm thu trên biển. Ảnh: Báo HQVN |
Báo Hải quân Việt Nam cho biết, từ ngày 5 đến 11/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh và trên vùng biển đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đã tổ chức nghiệm thu tàu M5, M6 mang số hiệu 382, 383.
Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng; Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Hải quân, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp Quân chủng cùng chủ trì nghiệm thu.
Đây là 2 tàu cuối cùng trong loạt 6 tàu tên lửa tấn công nhanh thiết kế 12418 do Tổng công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) ký hợp đồng đóng mới cho Quân chủng Hải quân trên cơ sở Hợp đồng chuyển giao công nghệ Li-xăng giữa Liên bang Nga và Việt Nam từ năm 2009.
Nghiệm thu tại bến, Hội đồng đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ tài liệu, chứng chỉ vật liệu, thiết bị; biên bản chuyển bước công nghệ, thuyết minh kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị; kiểm tra lắp đặt và hoạt động của các trang thiết bị, hệ thống trên tàu.
Trên biển, Hội đồng đã thử các tính năng, kỹ-chiến thuật của tàu; vận tốc tối đa, bán kính lượn vòng; bắt bám các mục tiêu trên không, trên biển của hệ thống khí tài điện tử, radar; bắn đạn thật các bài có trong biên chế của tàu.
Kết quả nghiệm thu cho thấy, hai tàu được thi công đóng mới theo đúng thiết kế, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; các trang thiết bị lắp đặt chắc chắn, đầy đủ, đồng bộ; kiểm tra hoạt động tại bến đạt yêu cầu kỹ thuật. Các thông số kỹ thuật, tính năng thử tải chạy trên biển đều đạt yêu cầu. Nghiệm thu các bài bắn vũ khí có trong biên chế được thực hiện đúng quy trình và đạt yêu cầu đề ra.
Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu Bộ Quốc phòng đã nhất trí thông qua biên bản nghiệm thu và yêu cầu Tổng công ty Ba Son tiếp tục hoàn chỉnh những điểm còn tồn tại để tiếp tục hoàn thiện và báo cáo các cơ quan chức năng bàn giao cho Quân chủng Hải quân trong thời gian tới theo kế hoạch.
Cẩu tên lửa lên tàu M6. Ảnh Báo HQVN |
Được biết, chiếc Molnya đầu tiên được Nga bàn giao cho Việt Nam trong năm 2007, chiếc thứ hai năm 2008. Năm 2010, Tổng Công ty Ba Son khởi động thực thi phần cấp phép của hợp đồng với phía Nga. Đến nay, Việt Nam đã đóng xong bốn tàu Molnya. Và cặp tàu vừa được Bộ Quốc phòng nghiệm thu là chiếc thứ 5 và thứ 6.
Tàu tên lửa Molnya (còn gọi là loạt tàu M, hay tàu tên lửa 12418) có lượng giãn nước 560 tấn, tính năng đi biển rất cao với vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn. Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1650-2400 hải lý.
Tàu được thiết kế để tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ; thực hiện nhiệm vụ trinh sát…
Ngoài hệ thống radar bám bắt mục tiêu hiện đại bảo đảm độ chính xác trong phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, Molnya được lắp đặt hệ thống phóng 16 tên lửa đối hải Uran-E tầm bắn 130 km.
Để phòng thủ, tàu được trang bị pháo tự động AK-176M, tầm bắn 15 km, độ cao 11 km để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt nước và trên đất liền; 2 pháo 6 nòng tự động AK-630M tầm bắn 4-5 km và nhịp bắn 4000-5000 phát/phút.