Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 226 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm địa điểm cách ly tập trung. Trong đó có 130 trường mầm non, 41 trường tiểu học, còn lại là các trường THCS, giáo dục thường xuyên, trường nghề, THPT và ký túc xá Đại học Hà Tĩnh.
Trường Tiểu học Mỹ Lộc (Can Lộc) tặng 600 khẩu trang cho các điểm cách ly
Cùng với việc dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất tại các điểm trường để đón người dân, giáo viên tại các trường cũng đã trở thành một trong những lực lượng xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ hậu cần.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có khoảng 1.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường học (chủ yếu là cán bộ, giáo viên mầm non) đăng ký hỗ trợ hậu cần tại 10 điểm cách ly tập trung của huyện, trong đó có 27 người tự nguyện đăng ký phục vụ vòng trong”.
Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường Mầm non Thạch Long (Thạch Hà) tình nguyện phục vụ vòng trong tại điểm cách ly (Ảnh NVCC)
Sự chia sẻ kịp thời của các giáo viên đã góp phần giảm áp lực cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm cách ly riêng biệt.
Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường Mầm non Thạch Long (Thạch Hà) - một trong những người xung phong phục vụ ở vòng trong cho biết: “Hưởng ứng lời kêu gọi của trường nên ngay khi trường đón nhận người dân về cách ly tập trung, tôi đã cùng với 1 đồng nghiệp xung phong vào vòng trong. Ngày đầu tiên, nhiệm vụ của chúng tôi là hướng dẫn mọi người sử dụng cơ sở vật chất trong trường học và nấu ăn. Nhưng với số lượng 65 người tại điểm cách ly, công việc nấu nướng của chúng tôi đã được chị em giáo viên vòng ngoài chia sẻ nên hiện tại hàng ngày chúng tôi dọn dẹp vệ sinh trong trường, tuyên truyền cho người dân trong khu cách ly, cung cấp các nhu yếu phẩm khi họ cần…”.
Giáo viên Trường Tiểu học Quang Lộc (Can Lộc) phục vụ hậu cần tại điểm cách ly ở địa phương
Tại Can Lộc, nơi có số lượng người được cách ly đông nhất tỉnh, vai trò của ngành giáo dục cũng đã được phát huy qua các hoạt động hậu cần. Hiện toàn huyện đã có 14 trường học được trưng dụng làm điểm cách ly. Cùng chung tay trong công tác phòng chống dịch, ngoài việc tặng khẩu trang và các nhu yếu phẩm khác, các nhà trường cũng đã cử giáo viên phục vụ nấu ăn tại các điểm cách ly.
Cô Nguyễn Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Đức Kế (thị trấn Nghèn, Can Lộc) cho biết: “Ngoài việc tranh thủ ôn tập kiến thức cho học sinh qua các kênh trực tuyến, những ngày này, trường cũng đã vận động cán bộ, giáo viên ủng hộ theo tinh thần kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc, mỗi người ít nhất 1 ngày lương. Chúng tôi cũng trích kinh phí của trường nấu 80 suất cơm phục vụ tại điểm cách ly, và việc nấu cơm này sẽ vẫn được tiếp tục để chia sẻ với chính quyền địa phương”.
Giáo viên Trường Tiểu học Sơn Kim 2 (Hương Sơn) tham gia nấu ăn phục vụ tại điểm cách ly cổng B
Tại Hương Sơn, nơi phát hiện bệnh nhân dương tính với virus corona đầu tiên ở Hà Tĩnh, các thầy cô giáo cũng đang gồng mình chung tay trên mặt trận chống dịch.
Ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn cho biết: Hiện đã có 24 trường được trưng dụng làm điểm cách ly và để phục vụ cho công tác hậu cần, đặc biệt ở khu vực cổng B, ngày nào cũng có các tình nguyện viên là giáo viên thuộc đội tình nguyện của các trường phục vụ công tác hậu cần. Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ của Ủy ban MTTQ, hiện cán bộ, giáo viên, nhân viên tại 60/73 trường học ở Hương Sơn cũng quyên góp gần 300 triệu đồng. Việc quyên góp vẫn tiếp tục đối với các đơn vị còn lại”.
Cùng với việc quyên góp ngày lương, phục vụ hậu cần tại các điểm cách ly, nhiều trường học đã pha chế nước rửa tay, may khẩu trang hỗ trợ người dân và các điểm cách ly. Một số trường cũng đã làm kính chắn giọt bắn để tặng cho lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.
Trường THPT Kỳ Anh trao tặng mũ chắn giọt bắn cho lực lượng Công an thị xã Kỳ Anh
Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh) cho biết: “Việc dùng khẩu trang nhiều khi rất bất tiện nên tập thể giáo viên nhà trường đã mày mò nghiên cứu làm kính chắn giọt bắn. Ban đầu chúng tôi làm chỉ để phục vụ cho công tác giảng dạy, nhưng thấy hiệu quả từ phương pháp này nên trường đã sản xuất thêm 300 cái tặng cho ban chỉ đạo phòng chống dịch của thị xã. Việc làm này của giáo viên Trường THPT Kỳ Anh vẫn đang được tiếp diễn”.
Cùng với việc tiếp tục duy trì ôn tập kiến thức cho học sinh qua các kênh trực tuyến, trực tiếp, những ngày qua, các thầy cô giáo ở Hà Tĩnh cũng đã trở thành lực lượng xung kích, chia sẻ khó khăn với chính quyền sở tại bằng những hoạt động ý nghĩa.