Khép lại một mùa vụ đầy thắng lợi, nông dân Can Lộc (Hà Tĩnh) có thêm niềm vui khi hạt gạo quê hương đang từng bước chiếm lĩnh thị trường. Ước mơ xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo đang dần trở thành hiện thực.
CÚ HÍCH TỪ CUỘC "CÁCH MẠNG" CHUYỂN ĐỔI RUỘNG ĐẤT
Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, Can Lộc đã ban hành Đề án số 2553/ĐA-UBND ngày 13/8/2020 (Đề án 2553) về tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Tiếp sau đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc đã có Nghị quyết số 01-NQ/HU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 2553. Đây được xem là cuộc “cách mạng” trên đồng ruộng, mở hướng đi lớn, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, là yếu tố quan trọng chuẩn bị cho huyện lúa thêm một bước vững chắc để tiến tới nền sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo địa phương.
Chủ trương lớn của huyện như dòng nước mát, nuôi dưỡng những tư duy táo bạo, tiên phong và làm thay đổi tư tưởng, tập quán canh tác của người dân. Đó cũng là động lực để những người nông dân gắn bó với ruộng đồng từng bước thực hiện ước mơ nâng tầm sản phẩm nông nghiệp với tư duy sản xuất bắt nhịp với xu thế thị trường.
Ông Nguyễn Đình Trung – Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng (xã Vượng Lộc) cho biết: “Từ lâu, tôi đã nung nấu ý tưởng về việc xây dựng một vùng sản xuất theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập cho chính mình và bà con. Thế nên, càng nghiên cứu kỹ Nghị quyết 01 và Đề án 2553, tôi càng tâm đắc và biết rằng đây chính là “chìa khóa” mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết 01 đi vào cuộc sống đã tạo cơ hội để người nông dân mở rộng vùng sản xuất, từ đó hiện thực hóa ý tưởng sản xuất trên những cánh đồng lớn”.
Từ năm 2021, với sự đồng thuận của người dân, trên cánh đồng hơn 30 ha, ông Trung đã mày mò nghiên cứu các đề án, hấp thụ các chính sách hỗ trợ… Từ việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, liên kết với các công ty giống từ đầu vào đến đầu ra, tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, các hướng dẫn KHKT thực hiện sản xuất lúa theo quy trình VietGAP… năng suất, chất lượng lúa gạo của HTX ngày càng được cải thiện. Cùng với đó, HTX cũng đã được ngành nông nghiệp, các đơn vị tư vấn hỗ trợ, hướng dẫn các bước để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, nhận diện thương hiệu. Thời điểm hiện tại, giấc mơ nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của HTX đã đơm hoa, kết trái bằng thương hiệu gạo OCOP, gạo hữu cơ Hạ Vàng được thị trường đón nhận.
Sự thay đổi phương thức sản xuất đã thực sự tạo nên bước đột phá trên đồng ruộng Hạ Vàng với năng suất vượt trội (6,4 tấn/ha vụ xuân; 5,8 tấn/ha vụ hè thu). Điều đáng mừng là sản phẩm được bao tiêu ngay tại chân ruộng với giá hợp lý, từ 6.800 đến 8.500 đồng/kg lúa. Niềm vui được mùa, được giá cũng đã củng cố thêm lòng tin của bà con nông dân đối với chủ trương của Đảng, từ đó hướng đến sự chuyên nghiệp, hiện đại trong sản xuất và quyết tâm xây dựng những vùng chuyên canh.
“Đến thời điểm hiện tại, đã có ngày càng nhiều doanh nghiệp chủ động tìm đến với chúng tôi. HTX đang xúc tiến các bước làm việc để liên kết từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm với các công ty giống cây trồng Thái Bình, Nam Định. Sản phẩm gạo của HTX cũng đã được thị trường đón nhận với mức giá 25.000 đồng/kg nhưng cung không đủ cầu”, ông Nguyễn Đình Trung - Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng chia sẻ.
Tại Tùng Lộc, chủ trương về tập trung ruộng đất cũng đã tạo động lực, cơ hội để những người dân ở HTX Dịch vụ môi trường thủy lợi xã Tùng Lộc thay đổi phương thức sản xuất.
“Cánh đồng với diện tích hơn 40 ha ở thôn Liên Tài Năng đang được bà con xã viên thực hiện phương châm "3 chung" (1 cánh đồng, 1 loại giống và lịch thời vụ), đã góp phần tăng năng suất và giá trị hàng hóa so với trước. Sự đồng bộ về tư liệu sản xuất cũng sẽ là nền móng giúp chúng tôi tiến xa hơn trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo, trở thành đầu mối trung gian, kết nối giữa bà con nông dân và doanh nghiệp”, ông Đặng Văn Ảnh - Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường thủy lợi xã Tùng Lộc chia sẻ.
Tiếp sức cho người nông dân bước vào giai đoạn mới trong tích tụ ruộng đất ở Can Lộc không chỉ là những mùa vàng bội thu mà đó còn là chính sách đồng bộ động viên, khích lệ bà con. Theo đó, giai đoạn 2024 - 2025 đối với các xã, thị trấn hoàn thành chuyển đổi lần 3 toàn xã với diện tích 250 ha sẽ được huyện hỗ trợ 300 triệu đồng. Ngoài ra, cứ hoàn thành thêm 50 ha sẽ được hỗ trợ thêm 30 triệu đồng.
Từ những chính sách mang tính trợ lực của huyện, các xã: Vượng Lộc, Tùng Lộc, Khánh Vĩnh Yên, Kim Song Trường, Trung Lộc, Quang Lộc, Xuân Lộc... thực hiện phân vùng sản xuất để xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, lúa hữu cơ, tạo nên những sản phẩm hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu gạo Can Lộc.
“Với tổng diện tích sản xuất lúa toàn huyện hơn 9.000 ha, Nghị quyết 01 đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện Can Lộc có khoảng 50% diện tích sản xuất tập trung. Tuy nhiên, những nỗ lực của huyện trong việc quyết liệt đưa chính sách vào cuộc sống đã giúp người dân tiếp cận, hấp thu đầy đủ, tối đa chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của tỉnh, của huyện. Đến nay, toàn huyện đã tập trung được hơn 5.600 ha đất sản xuất, vượt chỉ tiêu 1.100 ha; trong đó diện tích thực hiện chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 3 là 3.866 ha”, ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc thông tin.
Mũi đột phá mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra đó là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi, tập trung ruộng đất, phát triển mạnh nông nghiệp quy mô lớn... đang tiếp tục được triển khai trong những mùa vụ mới. Cụ thể, vụ xuân năm 2025 này, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục triển khai, mở rộng diện tích các mô hình tập trung “3 chung” (chung 1 cánh đồng, 1 loại giống và lịch thời vụ), hướng tới sản xuất hàng hóa.
SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ - NHẬP CUỘC NÂNG TẦM GIÁ TRỊ SẢN PHẨM
Tại cuộc làm việc giữa Thường trực Huyện ủy Can Lộc với ngành nông nghiệp vào cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo huyện Can Lộc cũng đã nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thân thiện với môi trường.
Lợi thế của vùng trọng điểm lúa cũng đang được phát huy bằng sự chủ động kết nối của huyện đối với các doanh nghiệp như: Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm; Công ty CP Hòa Lạc IEC (Thạch Hà) để tiếp tục mở rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn nhằm phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Từ các chủ trương về phát triển nông nghiệp, việc tạo điều kiện của huyện, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp là mảnh đất màu mỡ để những người nông dân mạnh dạn bắt nhịp với phương thức sản xuất mới.
Tại thôn Phúc Tân, xã Kim Song Trường, vụ hè thu năm 2024 là mùa thứ 3 liên tiếp những người dânsản xuất theo hướng hữu cơ trên cánh đồng 1 thửa rộng 5 ha. Mùa vàng với năng suất đáng ghi nhận (55 tạ/ha) mang về những hạt gạo thơm ngon, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng đã tiếp sức cho bà con thêm phần kiên định trong hành trình hướng đến nền nông nghiệp xanh.
Bà Nguyễn Thị Lý - Trưởng thôn Phúc Tân, xã Kim Song Trường chia sẻ: “Sản xuất lúa hữu cơ như một cuộc cách mạng. Và, những người nông dân chúng tôi đã và đang được “giác ngộ” để từng bước bỏ tập quán, tư duy canh tác cũ, bước vào một chương mới trong sản xuất nông nghiệp”.
Sự mạnh mẽ, quyết liệt của bà Lý trong điều hành nhiệm vụ thôn và trên tất cả là trách nhiệm, tình yêu đồng ruộng là yếu tố để bà con trong thôn tín nhiệm. Nhiều người dân ở thôn Phúc Tân vẫn còn nhớ hình ảnh Trưởng thôn Nguyễn Thị Lý trong những cuộc họp tuyên truyền, vận động bà con áp dụng những bộ giống mới, các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết nối chuyển giao quy trình sản xuất lúa hữu cơ với các cán bộ nông nghiệp, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đến người dân.
Sự kiên trì, học hỏi để thay đổi phương thức sản xuất, những tháng ngày thức khuya, dậy sớm theo dõi thời kỳ sinh trưởng của cây lúa và việc chỉ đạo bà con tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa gạo sạch, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm… của trưởng thôn đã khiến người dân ngày càng nể phục. Đó cũng là lý do để bắt đầu từ vụ hè thu năm 2023, 26 hộ dân thôn Phúc Tân đã tìm được tiếng nói chung, đồng lòng đặt niềm tin vào nữ “thủ lĩnh” Nguyễn Thị Lý để viết nên câu chuyện sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng thửa lớn 5 ha.
Cùng chung mong muốn viết nên câu chuyện lúa hữu cơ trên đồng đất quê nhà, sự mạnh dạn đi đầu, bước trước của những người phụ nữ ở thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên cũng đang trở thành hiện thực với bức tranh đồng lúa xanh tươi, trù phú.
Chị Nguyễn Thị Mai - Tổ phó Tổ hợp tác thôn Vân Cửu chia sẻ: “Được sự ủng hộ của địa phương trong mục tiêu đổi mới phương thức sản xuất, năm 2023, chúng tôi đã quyết tâm nắm bắt cơ hội thực hiện chủ trương liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm xây dựng mô hình lúa hữu cơ. Thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn bạc để tạo sự đồng thuận, thống nhất từ đội ngũ cán bộ, đảng viên đến tận người dân”.
Để tạo được sự đồng thuận gắn kết nhau trong cùng 1 tổ hợp tác, những người phụ nữ trên quê lúa Khánh Vĩnh Yên đã trải qua những cung bậc cảm xúc khó quên. Đó là những lần trao đổi nảy lửa về vấn đề sản xuất không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với nỗi lo cỏ nhiều hơn lúa; là vấn đề chi phí sản xuất cao khi áp dụng hoàn toàn cơ giới hóa; rồi những đêm không ngủ khi lần đầu bắc mạ khay gặp rét đậm, rét hại...
Thế nhưng, sau mỗi ý kiến, sau những tranh luận được giải đáp, mối quan hệ giữa các thành viên tổ hợp tác ngày càng thắt chặt. Bởi họ hiểu rằng, khi đã cam kết viết nên câu chuyện sản xuất hữu cơ thì tính cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Nông nghiệp hữu cơ chỉ được bắt đầu từ người nông dân với tinh thần làm nông trung thực, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đạt chuẩn và đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Cũng từ sự đồng thuận của người dân, 5 ha lúa hữu cơ đầu tiên của 26 gia đình đã được triển khai mang theo niềm tin và hy vọng vào một hướng đi mới.
Với nỗ lực kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm của huyện và của chính những người nông dân, đến nay Can Lộc đã có 2 sản phẩm gạo được tiêu thụ trên thị trường. Đó là gạo OCOP Hạ Vàng và gạo sản xuất theo hướng hữu cơ được bán tại các cửa hàng trong tỉnh (thành phố Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, thị trấn Nghèn) cùng 15 địa điểm ở các tỉnh, thành trong cả nước như: Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận…
Chị Nguyễn Thị Thùy Vi - chủ cửa hàng nông sản an toàn ở Ninh Thuận cho biết: “Với việc cam kết quy trình sản xuất đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, chất lượng gạo thơm, ngon, dẻo, sản phẩm gạo sản xuất theo hướng hữu cơ Can Lộc đang được khách hàng tin tưởng lựa chọn”.
Từ hiệu quả của chủ trương tập trung ruộng đất đã tạo điều kiện để nông dân Can Lộc hình thành nên những vùng sản xuất tập trung theo quy trình 3 chung. Cùng với sự hình thành của các THT, HTX với những cánh đồng mẫu, những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP cũng đang dần được mở rộng theo hướng liên doanh, liên kết. Mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Can Lộc đạt chuẩn huyện NTM nâng cao theo hướng phát triển nông nghiệp được kỳ vọng trong Đại hội Đảng bộ huyện đang từng bước trở thành hiện thực.
“Với tổng diện tích hơn 9.000 ha lúa, sản lượng mỗi năm toàn huyện đạt trên 100.000 tấn là nền tảng để Can Lộc có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu gạo. Cùng với đó, những cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện đã và đang tiếp tục được nghiên cứu, lồng ghép thực hiện sẽ không chỉ tạo nguồn lực lớn cho bà con nông dân, mà còn giúp địa phương “gỡ khó” những vấn đề lớn như: hành lang pháp lý đất đai; cơ chế về cho thuê đất, tích tụ ruộng đất … tạo “sân chơi” công bằng để Can Lộc thu hút sự vào cuộc của các doanh nghiệp”, ông Trần Mạnh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho hay.
BÀI, ẢNH, VIDEO: THÚY NGỌC - TRẦN PHÚC SƠN
THIẾT KẾ: XUÂN KHOA