Theo phả hệ dòng họ Lê Hữu, tổ tiên của họ đã có mặt ở vùng đất Thạch Hà từ rất lâu đời. Đến nay, là đời thứ 19 với nhiều chi, phái lan tỏa trên khắp tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh khác trong cả nước. Dòng họ có truyền thống học hành, khoa cử. Tộc phả còn ghi chép tên tuổi những người con của dòng họ từng làm quan trong triều đình. Cao tổ Lê Nhục (Nhọc/Nục) đời thứ 7 làm Huyện thừa; cao tổ Lê Luận (đời thứ 7) Thiêm tổng tri đồng tổng tri tòng tứ phẩm triều Lê; cụ Lê Chuyên làm Nhiêu nam câu kê Trung úy, tòng ngũ phẩm; cụ Lê Bính giữ chức Tri sự kiêm Nhiêu Nam…
Con cháu họ Lê Hữu vui mừng đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ của UBND tỉnh.
Thế tổ đời thứ 6 làm đến chức quan trong Thiêm sự viện, được tiến phong làm Hoằng tín đại phu thiêm sự viện. Đầu thế kỷ XX, tiêu biểu có cụ Lê Hữu Nhu đỗ khoa thi Bính Ngọ năm 1906 dưới triều vua Thành Thái năm thứ 18, làm chức giáo thụ đến đời vua Bảo Đại. Ông được vua khen là nhà giáo “Đức hạnh đầy đủ, tài trí song toàn, thanh liêm, cẩn thận, chuyên cần…”. Đến nay, dòng họ còn lưu giữ chế phong vua Bảo Đại ban cho cụ.
Mặc dù làm quan không cao nhưng những người con dòng họ Lê luôn giữ được khí phách, đóng góp cho quê hương, đất nước. Ở thế kỷ XX, vào lúc xã hội Việt Nam bắt đầu phân hóa dưới sự ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây, cụ giáo Lê Hữu Nhu vẫn tận tụy thực hiện tròn chức trách, sứ mệnh một nhà giáo nho học, được vị vua ảnh hưởng nền giáo dục tân học Bảo Đại nể trọng ban khen.
Thời kỳ tiền khởi nghĩa (trước 1930), Nghệ Tĩnh là địa phương hưởng ứng mạnh mẽ phong trào cách mạng. Năm 1930-1931, cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, cùng với nhân dân địa phương, dòng họ Lê Hữu đã có hàng chục người con tham gia đấu tranh, trong đó có những người thuộc thành phần cốt cán, từng bị địch bắt giam lưu đày, khổ sai. Con trai cụ Lê Hữu Nhu là Lê Hữu Viên - một trong những người con tiêu biểu của phong trào, trở thành bí thư đầu tiên của Huyện ủy Thạch Hà thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh. Hiện nay, tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn còn lưu giữ hồ sơ về những người tù cách mạng thời kỳ 1930-1931 của dòng họ Lê Hữu như: cụ Lê Hữu Vịnh (Lê Vịnh), cụ Lê Hữu Thiềm, Lê Bào, Lê Trực, Lê Đàm, Lê Cảnh Trinh, Lê Mai, Lê Dị, Lê Vỵ, Lê Huyền…
Nhà thờ họ Lê Hữu còn là nơi thành lập chi bộ cơ sở Đảng đầu tiên của xã trong cao trào cách mạng 1930-1931, trở thành nơi hội họp, tuyên truyền, đào tạo cán bộ cách mạng lớp đầu tiên cho sự nghiệp cách mạng xã Thạch Liên. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khu nhà thờ họ Lê Hữu trở thành địa điểm phục vụ chiến đấu cho bộ đội ta. Những năm 1952, 1953, gian nhà bái đường trở thành nơi làm việc của ban chỉ huy đại đội bộ đội địa phương. Nhà thờ cũng là nơi mở lớp học cho các lớp bình dân học vụ, lớp học vỡ lòng cho bà con dân làng. Năm 1965, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhà thờ lại trở thành nơi học tập của học sinh trường tài chính sơ tán từ thị xã Hà Tĩnh về. Nhà thượng điện được mượn để làm kho chứa vũ khí. Con cháu dòng họ sống xung quanh cũng nhường nhà, quây vườn, dựng lán trại làm nhà ăn, kho hàng cho học sinh, bộ đội…
Nhà thờ họ Lê Hữu tại xã Thạch Liên (Thạch Hà)
Ông Lê Hữu Phương - tộc trưởng dòng họ Lê Hữu phấn khởi: “Chúng tôi tự hào là dòng họ có truyền thống được tiếp nối một cách liên tục trong suốt dòng chảy lịch sử và luôn nêu cao tinh thần yêu nước. Hào khí ông cha hội tụ trong nhà thờ Lê Hữu như một ngọn lửa linh thiêng, luôn soi rọi, dõi theo, nhắc nhở con cháu không ngừng rèn luyện, phấn đấu. Hàng năm, vào ngày lễ tết, giỗ họ, con cháu khắp nơi lại hội tụ về, nghe chuyện xưa để cùng tự hào và ra sức phấn đấu…”.
Con cháu họ Lê Hữu ở khắp mọi miền. Tại xã Thạch Liên, vẫn còn khá đông. Do vậy, nhân dịp đón nhận bằng Di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Lê Hữu, phát huy truyền thống cách mạng, dòng họ sẽ phát động con em tích cực tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, quyết tâm cùng Đảng bộ, chính quyền và bà con nhân dân đưa xã về đích vào cuối năm nay.
Được xây dựng trong thời kỳ phong kiến, nhà thờ họ Lê Hữu mang phong cách và kiến trúc cổ, sử dụng các nguyên vật liệu truyền thống sẵn có ở địa phương như vôi, đá, gạch nung, mật mía. Sau khi được tu bổ, nhà thờ mang dáng dấp hiện đại nhưng vẫn không mất đi cốt lõi ban đầu. Hiện tại, nhà thờ vẫn còn lưu giữ 4 bản chế phong của Triều Nguyễn, do vị vua cuối cùng của triều đại này ban chế sắc, là những di sản văn hóa - lịch sử quý báu đối với ngành nghiên cứu sử học, văn hóa học. |