Hậu Đề án 500: Hà Tĩnh kiến nghị gia hạn hợp đồng, sửa chính sách tuyển dụng

(Baohatinh.vn) - Sau 5 năm triển khai, Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500) đã kết thúc; thế nhưng, vấn đề bố trí công việc cho đội viên trên địa bàn Hà Tĩnh đang gặp không ít khó khăn.

Trí thức trẻ tiên phong về vùng khó

Hà Tĩnh là một trong 34 địa phương triển khai Đề án 500 từ năm 2015. Từ 742 ứng viên dự tuyển, ban tổ chức đã tuyển chọn, ký hợp đồng ban đầu với 35 đội viên. Sau 5 năm, tổng số đội viên tham gia Đề án hiện chỉ còn 30 người, 3 đội viên xin nghỉ theo nguyện vọng và 2 đội viên được đảm nhận vị trí công việc khác.

Hậu Đề án 500: Hà Tĩnh kiến nghị gia hạn hợp đồng, sửa chính sách tuyển dụng

Đội viên Phan Trọng Hải (bên phải) luôn nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc.

Là 1 trong số 30 đội viên của đề án 500, đội viên Phan Trọng Hải được phân công đảm nhiệm chức danh địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường tại xã Hương Trạch (Hương Khê). Hơn 4 năm thực hiện nhiệm vụ, với sự nhiệt tình, hăng hái và tận tân với công việc, Hải đã góp sức lớn đưa Hương Trạch đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM).

Bí thư Đảng ủy xã Hương Trạch (Hương Khê) Cao Viết Hòa cho biết: “Đồng chí Hải là hạt nhân quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM ở địa phương. Tháng 3/2019, với những thành tích trong công tác, đồng chí Hải được Văn phòng Điều phối NTM huyện điều về hỗ trợ chuyên môn. Chúng tôi đang đề xuất huyện sớm “trả” đồng chí Hải. Chương trình NTM Hương Trạch đang rất cần có đồng chí ấy”.

Hậu Đề án 500: Hà Tĩnh kiến nghị gia hạn hợp đồng, sửa chính sách tuyển dụng

Bộ mặt NTM ở các địa phương thay đổi có sự đóng góp không nhỏ từ các đội viên Đề án 500.

Không chỉ với đội viên Hải, theo đánh giá của các địa phương có đội viên 500, mặc dù công tác tại các xã miền núi với các điều kiện khó khăn nhưng các đội viên đã hăng hái, nhiệt tình nắm bắt tình hình cơ sở; tiên phong, sáng tạo trong triển khai các chương trình, đề án; có đạo đức, phẩm chất tốt.

Khó khăn trong bố trí, tuyển dụng

Dù được đánh giá cao về năng lực, nhiệt tình công tác nhưng đến nay, khi thời điểm kết thúc đề án đã qua, các đội viên đều băn khoăn, lo lắng do chưa biết phương án bố trí, tuyển dụng cụ thể.

Anh Nguyễn Công Lập, đội viên Đề án 500 nhận nhiệm vụ tại xã Lâm Hợp (Kỳ Anh) bày tỏ: “Hơn 5 năm cống hiến, thời gian đề án đã kết thúc nhưng tôi và 27 đội viên Hà Tĩnh vẫn chưa được bố trí công việc ổn định. Với tinh thần người trẻ, chúng tôi vẫn đang nỗ lực cống hiến. Mong rằng cấp trên sớm có quyết định về tuyển dụng để chúng tôi có thể yên tâm hơn trong công tác”.

Hậu Đề án 500: Hà Tĩnh kiến nghị gia hạn hợp đồng, sửa chính sách tuyển dụng

Quê ở Hương Sơn, nhưng đội viên Nguyễn Công Lập đã có hơn 5 năm cống hiến tại xã Lâm Hợp (Kỳ Anh).

Trao đổi về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Trung cho biết: “Việc bố trí, sắp xếp cho đội viên Đề án 500 sau khi kết thúc thời gian thực hiện đề án gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến đến quy định tuyển dụng, chỉ tiêu biên chế được giao so với số hiện có”.

Ông Trung phân tích, theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 1 Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cho đội viên Đề án 500 tại xã trong thời gian 5 năm (đủ 60 tháng), căn cứ vào năng lực chuyên môn, phẩm chất và kết quả thực hiện nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nếu đủ điều kiện thì đội viên được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức cấp huyện trở lên theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, đối chiếu quy định tại Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2019, Nghị định 138/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ thì việc tuyển dụng Đội viên Đề án 500 thông qua hình thức "xét tuyển” là không thực hiện được. Điều này do đội viên không thuộc các nhóm đối tượng theo quy định (sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng, người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học hay người cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (hiện nay tỉnh Hà Tĩnh không có xã thuộc diện trên).

Mặt khác, thời gian qua, thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, do đó trong giai đoạn hiện nay không có nguồn biên chế để bố trí, xét tuyển đội viên Đề án thành cán bộ, công chức cấp xã.

Hậu Đề án 500: Hà Tĩnh kiến nghị gia hạn hợp đồng, sửa chính sách tuyển dụng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu kiến nghị với Bộ Nội vụ xử lý vướng mắc trong thực hiện Đề án 500 tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 19/1.

Mới đây (ngày 19/1), tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết về Đề án 500, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đã khẳng định tính hiệu quả, thiết thực mà Đề án 500 mang lại, tuy nhiên, với những khó khăn trong công tác bố trí, sử dụng nêu trên, đề nghị Bộ Nội vụ đồng ý chủ trương tiếp tục gia hạn hợp đồng đối với các đội viên Đề án 500; đồng thời kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan trong công tác tuyển dụng nhằm ưu tiên tuyển dụng số đội viên Đề án 500 trước khi bố trí và tuyển dụng các đối tượng khác.

Hy vọng rằng, những động thái này từ tỉnh sẽ góp thêm tiếng nói để đội viên Đề án 500 sớm yên tâm công tác, phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm, trí tuệ cho sự phát triển của các địa phương.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm