Bổ sung thêm 2 nhóm vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 156
Tham gia ý kiến về tờ trình nghị quyết, đại biểu Nguyễn Huy Hùng - Tổ đại biểu TX Hồng Lĩnh đề nghị xem xét bổ sung phụ cấp cho 2 nhóm: (1) Lực lượng bảo vệ dân phố ở các đô thị; (2) nhân viên y tế tổ dân phố làm việc ở phường, thị trấn vào dự thảo Nghị quyết 156.
Đại biểu Nguyễn Huy Hùng cho rằng, dự thảo nghị quyết đã tăng mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố theo hướng bố trí phụ cấp cho các chức danh đã có quy định của luật, nghị định, từ đó tăng mức bồi dưỡng cho số lượng những người còn lại trong tổng mức đã được bố trí.
Mặc dù trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, việc bố trí mức bồi dưỡng như nghị quyết là sự quan tâm rất lớn của tỉnh; tuy nhiên nhìn chung mức bồi dưỡng vẫn còn thấp, chưa thực sự tương xứng với vai trò, vị trí cũng như sự tham gia nhiệm vụ của nhóm đối tượng này ở thôn, tổ dân phố; vì vậy đề nghị thời gian tới tỉnh tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa.
Người dân tin tưởng vai trò lãnh đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị
Đúc kết thành công lớn là niềm tin của Nhân dân đối với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị, đại biểu Nguyễn Thế Hoàn (Tổ đại biểu Lộc Hà) cho rằng một minh chứng rõ nét đó là sự quan tâm, chia sẻ kịp thời với người dân thông qua các biện pháp phòng chống Covid-19; sự công tâm, minh bạch, chọn đúng người, đúng tiêu chuẩn, điều kiện để lựa chọn được cán bộ có tín nhiệm cao, tạo niềm tin vào cán bộ của Đảng.
Trong bão lũ, cán bộ, chiến sỹ là người tiên phong cứu trợ, sau bão lũ là tình người chia sẻ, động viên và BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Đây chính là thể hiện rõ bản sắc truyền thống.
Có giải pháp sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Dành nội dung trọng tâm thảo luận về các giải pháp phát triển nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đại biểu Lê Ngọc Huấn (Tổ đại biểu Hương Khê) đề nghị tỉnh có chương trình và chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ, hệ thống điện vào các khu sản xuất, chăn nuôi tập trung để phục vụ phát triển sản xuất; đồng thời góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn nước ngầm và phòng, chống mưa, lũ...
Đại biểu Huấn cũng đề nghị rà soát nhu cầu an ninh lương thực trên địa bàn để có giải pháp chuyển đổi cơ cấu diện tích cây trồng thay thế một phần diện tích đất trồng lúa nhằm giảm bớt nhu cầu sử dụng nước tại các hồ, đập thủy lợi vào mùa mưa, lũ để đưa các hồ đập này tham gia vào vai trò quan trọng để điều tiết lũ.
Lan tỏa giá trị văn hóa Hà Tĩnh đến với bạn bè quốc tế
Đại biểu Nguyễn Xuân Lâm (Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh) cho rằng, cần giữ gìn các giá trị văn hóa phi vật thể như ca trù, dân ca ví giặm, các lễ hội văn hóa truyền thống; quan tâm bảo vệ và kêu gọi xây dựng, tôn tạo các di tích để tri ân các tiền bối, giáo dục thế hệ trẻ, thu hút du lịch và lan tỏa các giá trị văn hóa Hà Tĩnh đến với bạn bè quốc tế.
Đại biểu Lâm cũng kiến nghị tỉnh quan tâm hơn nữa tới việc bảo vệ tài nguyên môi trường, quy hoạch các khu công nghiệp và có chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư.
Phát triển thị xã Kỳ Anh trở thành đô thị động lực
Đại biểu Đặng Văn Thành - Tổ đại biểu TX Kỳ Anh cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, năm 2020 và cả giai đoạn 2015-2020 nói chung, tỉ lệ đô thị hóa của Hà Tĩnh còn thấp so với cả nước. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan do các cơ chế hỗ trợ, nguồn lực của tỉnh; thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa chưa nhiều; cấp ủy chính quyền một số nơi chưa quyết liệt; chưa thường xuyên bám sát các mục tiêu, lộ trình nâng loại của các đô thị để có sự chỉ đạo kịp thời...
Đại biểu Đặng Văn Thành cũng đề nghị tỉnh xem xét, quyết nghị về xây dựng, ban hành nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển đô thị, xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và có cơ chế tài chính trích % số thu ngân sách tỉnh hàng năm trên địa bàn để tái đầu tư hạ tầng nhằm xây dựng và phát triển thị xã trở thành đô thị động lực của tỉnh, trở thành thành phố vào năm 2025.
Đánh giá những dự án hoạt động không hiệu quả
Đại biểu Nguyễn Văn Danh (Tổ đại biểu huyện Kỳ Anh) cho rằng, ngoài việc đánh giá tác động của mưa lũ đối với việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế, xã hội ở các địa phương, cần có đánh giá cụ thể đối với những thiệt hại của doanh nghiệp để ban hành chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất.
UBND tỉnh cần đánh giá về những dự án thu hồi đất của người dân nhưng đến nay hoạt động không hiệu quả và có giải pháp quản lý chặt chẽ.
Đầu tư tương xứng cho phát triển du lịch
Đại biểu Đặng Quốc Cương (Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên) khẳng định, trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm du lịch, khu di tích, danh lam thắng cảnh, bước đầu đã đưa lại hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân.
Tuy nhiên phát triển du lịch của Hà Tĩnh vẫn chưa xứng tầm, đề nghị tỉnh xác định khu du lịch trọng điểm để có sự đầu tư tương xứng từ công tác quy hoạch, huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách mời gọi đầu tư.
Quan tâm cán bộ đoàn thể ở cơ sở
Đại biểu Nguyễn Thị Nhi (Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) cho rằng, việc ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND về mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố là kịp thời, cần thiết, thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành đến chế độ chính sách cán bộ cấp cơ sở.
Tuy nhiên, gắn với hoạt động thực tiễn ở cơ sở với vai trò trách nhiệm, khối lượng công việc được giao, các hội viên, chi đoàn, chi hội, hội viên cựu chiến binh, hội viên nông dân, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên và hội viên người cao tuổi đóng vai trò quyết định sự thành công của phong trào ở cơ sở, do vậy, cần quan tâm hơn nữa tới đội ngũ này.