Thử nghiệm mẫu vắc xin Covid-19 tại một nhà máy của Sinopharm ở Bắc Kinh. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Truyền thông Trung Quốc ngày 18/8 dẫn lời Liu Jingzhen, chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), cho biết giá của 2 liều tiêm vắc xin Covid-19 do tập đoàn này phát triển sẽ vào khoảng 1.000 Nhân dân tệ (145 USD).
Sinofarm cho biết vắc xin của tập đoàn này có thể đi vào sử dụng từ tháng 12 năm nay.
Hiện chưa rõ mức giá do chủ tịch Sinopharm công bố là giá bán lẻ hay bán số lượng lớn. Tuy nhiên, đây hiện là vắc xin Covid-19 có giá cao nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Một số hãng dược lớn như AstraZeneca và Johnson & Johnson vẫn duy trì nguyên tắc phi lợi nhuận truyền thống đối với vắc xin chống dịch và họ cũng đưa ra mức giá thấp cho các vắc xin Covid-19 tiềm năng. Tuy nhiên, các hãng dược này nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ Anh và Mỹ.
Các đơn vị phát triển vắc xin Covid-19 khác như Moderna, Pfizer và Merck cho biết họ vẫn kỳ vọng thu được lợi nhuận từ các sản phẩm bán ra thị trường.
Tính đến nay, vắc xin Covid-19 do Đại học Oxford và hãng AstraZeneca phát triển có giá rẻ nhất, chỉ khoảng 4 USD/liều khi bán cho chính phủ. Vắc xin này đang dẫn đầu trong số các vắc xin ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Nhà sản xuất đã ký hợp đồng cung cấp vắc xin với chính phủ Anh và Ấn Độ.
Adar Poonawalla, giám đốc điều hành của Viện Serum Ấn Độ, cho biết giá của vắc xin Covid-19 do họ sản xuất với sự hợp tác cùng Đại học Oxford sẽ thấp hơn 1.000 Rupee (13 USD) nếu bán ở Ấn Độ.
Công ty Johnson & Johnson của Mỹ đề xuất vắc xin Covid-19 với giá khoảng 10 USD/liều và ký thỏa thuận với chính phủ Mỹ cung cấp 100 triệu liều.
Trong khi đó, giám đốc điều hành hãng dược Pfizer Albert Bourla cho biết công ty sẽ bán vắc xin với giá khoảng 20 USD/liều.
Pfizer và hãng dược BioNTech của Đức đã ký thỏa thuận với chính phủ Mỹ về việc cung cấp 100 triệu liều vắc xin với giá 1,95 tỷ USD. Albert Bourla cho biết giá vắc xin dành cho các nước đang phát triển sẽ rẻ hơn.
Moderna đưa ra mức giá tương đối cao cho vắc xin Covid-19. Hãng này đã ký thỏa thuận với một số nước nhằm cung cấp vắc xin với mức giá từ 32 USD tới 37 USD/liều. Moderna nói rằng giá vắc xin của họ cao hơn vì họ sản xuất số lượng nhỏ.
Mức giá gây bất ngờ
Hiện chưa rõ vắc xin Covid-19 do các hãng ở Trung Quốc sản xuất có nằm trong chương trình chủng ngừa miễn phí và bắt buộc của nước này hay không, hay vắc xin sẽ được tiêm tự nguyện và người được tiêm sẽ tự thanh toán chi phí.
Tao Lina, chuyên gia về vắc xin tại Thượng Hải, cho biết ông ngạc nhiên khi giá vắc xin của Sinopharm cao hơn nhiều so với vắc xin của các nước phương Tây. Điều này cho thấy Trung Quốc có thể sẽ không đưa vắc xin Covid-19 của Sinopharm vào chương trình tiêm chủng miễn phí.
“Tôi bất ngờ với mức giá này. Đây là mức giá cao nhất thế giới cho đến nay. Vì dịch đã được kiểm soát tốt tại Trung Quốc lục địa, nên nhu cầu tiêm chủng đại trà không chịu sức ép lớn và vắc xin này có thể không được đưa vào chương trình miễn phí”, chuyên gia Tao nói.
Hiện chưa rõ giá vắc xin do Sinofarm đưa ra có ảnh hưởng tới giá vắc xin của 2 nhà cung cấp hàng đầu khác hay không. Các đơn vị sản xuất vắc xin CanSino và Sinovac hiện vẫn chưa tiết lộ giá bán.
Trung Quốc ngày 11/8 đã cấp bằng sáng chế vắc xin Covid-19 đầu tiên cho công ty dược phẩm sinh học CanSino Biologics với vắc xin mang tên Ad5-nCOV. CanSino đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 ở Ả rập Xê út và đang đàm phán với Nga, Brazil và Chile để khởi động thử nghiệm tại các nước này.
Hiện có hơn 200 ứng viên vắc xin Covid-19 được các phát triển trên toàn thế giới, trong đó hơn 20 loại đang được thử nghiệm lâm sàng trên người.
Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc xin Covid-19 có tên gọi Sputnik V. Vắc xin này hiện mới chỉ hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2, trong khi giai đoạn 3 được tiến hành sau khi phê chuẩn. Alexey Repik, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dược R-Pharm của Nga, cho biết 2 liều vắc xin Sputnik V trên thị trường xuất khẩu sẽ có giá ít nhất 10 USD.