Hiệu quả từ các phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc

(Baohatinh.vn) - Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả, làm nòng cốt trong các phong trào thi đua của cả nước.

Sau khi BCH Trung ương ra chỉ thị, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc", chính thức phát động phong trào thi đua trên cả nước. Lời kêu gọi đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta.

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM"

Trong 5 năm (2017-2022), phong trào tiếp tục được triển khai sâu rộng, đồng bộ, nội dung phong phú và hình thức đa dạng, trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, góp phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng NTM. Các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua; tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện phong trào thi đua, trong đó chú trọng: Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với từng vùng, miền, địa bàn và dân cư làm mục tiêu để tổ chức, triển khai, đánh giá phong trào; huy động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng NTM; tuyên truyền, vận động củng cố, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng NTM.

Hiệu quả từ các phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc

Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã xây dựng được những miền quê trù phú, thanh bình, thực sự đáng sống, tạo sự hài lòng cao trong mỗi người dân. Trong ảnh: Một góc xã NTM kiểu mẫu Xuân Thành. (Ảnh: Đậu Hà)

Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu lớn như: các hộ nghèo đã có xu hướng giảm; nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều địa phương đã có các chính sách hỗ trợ để người dân có công việc, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, xây dựng chuẩn NTM. Đây là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự vươn lên, vượt khó của người dân trong hoàn cảnh khó khăn để làm giàu chính đáng. Phong trào đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong toàn Đảng và Nhân dân, là động lực quan trọng mang lại những thành tựu lớn và toàn diện trong lĩnh vực giảm nghèo.

Qua 5 năm thực hiện, phong trào thi đua đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 3%; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Điều kiện cơ sở hạ tầng KT-XH của khu vực nông thôn, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; kết quả giảm nghèo ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”

Trong cộng đồng doanh nghiệp (DN), phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ trên các phương diện: thi đua đổi mới quản lý, quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DN, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tăng doanh thu, lợi nhuận. Cải tiến KHKT, nâng cao năng suất lao động áp dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động SXKD, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng và nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, gìn giữ văn hóa, đạo đức kinh doanh thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng. Tập trung nguồn lực, tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh.

Hiệu quả từ các phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc

Người lao động tại các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh tích cực thi đua sản xuất.

Thông qua phong trào thi đua nhiều giải pháp hỗ trợ về phát triển DN và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến SXKD và hoạt động của DN, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng hành, hỗ trợ DN: tham mưu hoặc ban hành văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua nhiều gói hỗ trợ; thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; gia hạn thời hạn nộp thuế và cho thuê đất; chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của DN...

Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”

Phong trào thi đua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ, thực hiện văn hóa công sở của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức; nâng cao ý thức trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, qua đó hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; khắc phục những biểu hiện lệch chuẩn trong tác phong, lề lối, tinh thần, thái độ làm việc cũng như giao tiếp, ứng xử với Nhân dân của một bộ phận công chức, viên chức làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân; phấn đấu xây dựng hình ảnh, phong cách ứng xử, kỹ năng giao tiếp của đội ngũ công chức, viên chức chuẩn mực, chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, thân thiện trong hoạt động công vụ.

Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19"

Hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch. Các ban, bộ, ngành, địa phương đã hưởng ứng tham gia phong trào thi đua đặc biệt cũng như ban hành kế hoạch, chương trình nhằm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và phát triển KT-XH theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động phát triển KT-XH được phục hồi, nền kinh tế vượt qua khó khăn và tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm, các hoạt động đối ngoại được duy trì có hiệu quả.

Hiệu quả từ các phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc

Các cán bộ, nhân viên ngành y tế Hà Tĩnh luôn nỗ lực hết mình, kiên cường, bền bỉ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân, doanh nhân, DN đã có nhiều hành động đẹp, thiết thực góp phần phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Cùng với đó, nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái đã lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, đem đến sức mạnh và niềm tin tất thắng, là nhân tố quan trọng, góp phần vào “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch COVID-19 của đất nước. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của Nhân dân, cả nước đã thành công trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của Nhân dân.

Phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, QP-AN được phát động và tổ chức triển khai sâu rộng ngay từ đầu các năm ở các ngành, các cấp, các vùng miền, địa phương trong cả nước, góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi trên khắp cả nước.

Các ban, bộ, ngành Trung ương đã phát động các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính trên các lĩnh vực, tiêu biểu như: Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an; phong trào “Thi đua Quyết thắng” của Bộ Quốc phòng...

MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia, như: Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hoạt động công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phong trào thi đua “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng NTM, đô thị văn minh” và “Nông dân tham gia bảo đảm QP-AN” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; phong trào thi đua “Phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp gia đình” và “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; phong trào thi đua với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp lập nghiệp”, của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam...

(Còn nữa)

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Chủ đề THI ĐUA ÁI QUỐC

Đọc thêm