Trước thềm giải Chinese Super League 2017, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc liên tiếp ra những điều luật kìm hãm cơn cuồng mua sắm của các CLB. Cụ thể, một điều luật mới ra đời với quyết định cắt giảm số cầu thủ ngoại thi đấu trên sân trong cùng một thời điểm. Mỗi đội giờ chỉ được phép tung ra sân 3 cầu thủ nước ngoài và trong danh sách đăng ký thi đấu trước trận gồm 18 người chỉ được tối đa 5 ngoại binh. Ngoài ra, các CLB phải có hai cầu thủ thuộc nhóm tuổi U23 Trung Quốc và một trong số đó đá chính.
HLV Villas-Boas chơi chiêu để lách luật trước những điều lệ rối ren của LĐBĐ Trung Quốc. |
Luật mới cho thấy các nhà làm bóng đá Trung Quốc rất quan tâm đến sự phát triển bóng đá nước nhà. Họ không muốn tình trạng nhiều đội bóng lệ thuộc vào các ngoại binh và lấy đi cơ hội nội binh. Nhưng sau tất cả, mọi biện pháp trở nên vô nghĩa. Đơn cử như luật mỗi CLB phải có hai cầu thủ thuộc nhóm tuổi U23 Trung Quốc và một trong số đó đá chính, nhiều chiến lược gia tuân theo răm rắp quy định mới, dù vậy phần lớn trong số họ thường lách luật bằng cách hạn chế số phút thi đấu của cầu thủ trẻ. Trận Guangzhou Evergrande thắng Shanghai SIPG 3-2 (1/4), HLV Andre Villas-Boas của Shanghai SIPG chỉ để cầu thủ 19 tuổi Zhang Huachen thi đấu 15 phút. Tính luôn 3 trận đấu hậu vệ này góp mặt từ đầu mùa, tổng số phút thi đấu của anh dừng lại ở con số 62 phút. "Tôi đã xem xét việc rút anh ta khỏi sân, nhưng CLB không thể thay một cầu thủ trẻ chỉ sau 1 phút có mặt. Điều đó thật buồn cười", HLV Villas-Boas phát biểu.
Cầu thủ trẻ Zhang Huachen chỉ đá có 15 phút trước khi được rút ra sân. |
Chia sẻ đó nói lên một sự thật cay đắng. Nhiều HLV không hề tin tưởng cầu thủ trẻ. Chiến lược gia Villas-Boas vì muốn đối phó với luật mới nên đã chơi chiêu. Ông để Zhang Huachen thi đấu tận 15 phút bởi không muốn tạo ra kỷ lục hài hước thay người chỉ sau 1 phút. Những biện pháp của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc rất tốt, thế nhưng lại thiếu một sự hợp lý và thực tế. Nó mang tính chất đối phó hơn đầu tư xây dựng kế hoạch dài hạn. Nhiều đội bóng giờ đây cũng tìm cách lách luật, với Shanghai SIPG là một trường hợp điển hình. Nếu đội bóng nào cũng chơi chiêu, tức đưa cầu thủ dưới 23 tuổi vào sân trong 10-15 phút đầu rồi rút ra, điều này đem lại tác động tiêu cực hơn là tích cực. Theo thời gian, các cầu thủ dưới 23 tuổi sẽ bị thui chột niềm tin bởi chỉ có thi đấu nhiều mới giúp họ tiến bộ. Tuần rồi, giấc mơ dự World Cup 2018 của tuyển Trung Quốc bị giáng một đòn đau, họ thất bại 0-1 trước Iran. Đó là 90 phút thầy trò Marcello Lippi chỉ biết gồng mình chống trả trước chủ nhà. Hay như trận thắng Hàn Quốc 1-0, Trung Quốc cầm bóng 35% thời gian trận đấu, còn Hàn Quốc bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Rõ ràng, bóng đá Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt trong vòng xoáy khủng hoảng. Họ bỏ ra rất nhiều tiền để làm tăng thêm uy tín cho giải Chinese Super League bằng cách chiêu mộ hàng loạt ngoại binh nổi tiếng, nhưng song song đó lại hình thành nhiều điều luật rối ren để kìm hãm cơn cuồng mua sắm. Quá nhiều sự đối nghịch đang diễn ra tại giải Chinese Super League 2017. Và trên hết, luật mới đang biến bóng đá Trung Quốc thành ra trò hề. Và ảnh hưởng của nó sẽ còn lan tỏa tới cả thành tích của ĐTQG.