Hồ Chí Minh đã khái quát văn hóa Đảng bằng một định nghĩa: “Đảng ta là đạo đức là văn minh”. Ở đây “đạo đức” là giá trị truyền thống, giá trị nền nếp của tổ chức và con người cách mạng. “Văn minh” là bao quát cả trí tuệ, cả lý tưởng, định hướng cho sự tiến bộ, sự phát triển của đất nước. “Đạo đức”, “văn minh” là kết tinh của tư chất văn hóa cao và đó cũng là biểu hiện đặc trưng nhất văn hóa của Đảng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của văn hóa thời đại, kết hợp giữa đỉnh cao của văn hóa nhân loại là chủ nghĩa Mác – Lê-nin với đỉnh cao của phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Người nói: “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin kết hợp với phong trào công nhân, phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng”. Như vậy, văn hóa dân tộc, văn hóa thời đại sản sinh ra văn hóa Đảng và văn hóa Đảng làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc và mang tính thời đại. Rõ ràng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sự thống nhất giữa tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân loại là một đặc trưng nổi bật của văn hóa Đảng Cộng sản.
Văn hóa Đảng, theo Hồ Chí Minh có những đặc trưng giá trị bền vững, được kết tinh trước hết ở bản chất, mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng và trí tuệ của Đảng. Điều mà Người đã nêu ra trong Chính cương vắn tắt: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó là giành chính quyền để xây dựng một xã hội nhân dân làm chủ, nhân dân ấm no và hạnh phúc, “ai cũng có cơm ăn, ai cũng được học hành” mang đậm tính chất nhân văn từ cội nguồn của dân tộc. Đó là đạo đức cách mạng cao cả được thể hiện ở phẩm chất của từng cán bộ, đảng viên suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, đặt lợi ích của Đảng của nhân dân, của dân tộc lên trên hết; có cuộc sống giản dị, trong sạch “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”, luôn là tấm gương sáng trước quần chúng nhân dân và chính Người là một mẫu mực. Đó là tính kỷ luật, tự giác, phong cách lãnh đạo dân chủ theo nguyên tắc tổ chức dân chủ tập trung, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển, thể hiện sức sống mãnh liệt của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đồng bào Tây Bắc. Ảnh tư liệu
Hồ Chí Minh cho rằng, thực hiện chế độ dân chủ tập trung, thường xuyên tự phê bình và phê bình là sự ứng xử văn hóa vừa có nguyên tắc, vừa có tình, có nghĩa, thân ái, chân thành của cán bộ, đảng viên trong nội bộ Đảng. Đó là Đảng luôn gắn bó máu thịt với dân, gần dân, hiểu dân, sát dân, vận dụng sức mạnh của dân để làm cách mạng và làm cách mạng là vì nhân dân, dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng.
Văn hóa Đảng hình thành và tồn tại trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, qua mỗi thăng trầm lịch sử, khi gặp khó khăn hay khi cách mạng chuyển sang giai đoạn phát triển mới; trước những đòi hỏi thực tiễn cần thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của mình, thì các giá trị văn hóa đó được phát huy, đáp ứng với yêu cầu mới của lịch sử, giúp cho Đảng nhạy bén trước tình hình mới và xác định được chính xác mục tiêu đấu tranh để giành thắng lợi.
Hồ Chí Minh nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Cho nên việc giữ gìn và nâng cao, bổ sung các giá trị văn hóa vừa có tính quy luật, vừa là một việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên.
Để gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đặt vấn đề thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, trước những mặt trái của cơ chế thị trường, những vấn đề nảy sinh trong quá trình hội nhập, đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức và lối sống, có nguy cơ làm xói mòn những giá trị tốt đẹp của văn hóa Đảng.
Trước tình hình đó, Đảng phải tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, không dao động trước mọi diễn biến của tình hình, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, chống mọi biểu hiện tiêu cực, tham ô, lãng phí, cửa quyền, hách dịch dân… Thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nêu ra nhằm giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng, ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực, coi đó là những giải pháp rất cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Lấy việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm nội dung quan trọng trong việc giữ gìn và nâng cao những giá trị của văn hóa Đảng.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng về công tác xây dựng Đảng đưa đạo đức thành yếu tố quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xem “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” là một nội dung gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó cũng chính là những nội dung cốt lõi của văn hóa Đảng mà Hồ Chí Minh luôn đặt ra ngay từ khi Đảng mới ra đời cho đến trước khi Người đi xa: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.