Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ gồm các tỉnh: Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Tĩnh.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu thống nhất việc sửa đổi, bổ sung 2 dự án luật trên nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác cảnh vệ, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đáp ứng nhiệm vụ cảnh vệ, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong tình hình mới.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các đại biểu tập trung thảo luận sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ, sửa đổi quy định bố trí lực lượng cảnh vệ, bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ, bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ và bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đối với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các ĐBQH thảo luận về quá trình triển khai, kết quả đạt được, những khó khăn bất cập của luật hiện hành; đồng thời đề xuất các nội dung liên quan như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ;
Quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vật liệu nổ công nghiệp, công cụ hỗ trợ; các trường hợp, thủ tục thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tham gia thảo luận, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh khẳng định, việc sửa đổi 2 luật trên sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các đại biểu bổ sung giải thích “chế độ cảnh vệ”, bổ sung quy định các biện pháp cảnh vệ, sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ, áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ, quy định thống nhất về giấy bảo vệ đặc biệt,…
Hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bổ sung quy định một số khái niệm; quản lý hoạt động kinh doanh, xuất, nhập khẩu các loại dao và công cụ hỗ trợ khác có tính sát thương cao; thống nhất tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam; khai báo vũ khí thô sơ là dao có tính sát thương cao để bảo đảm tính khả thi của các chính sách.