Nhiều người dân tập trung chờ theo dõi phiên toà nhưng HĐXX quyết định hoãn theo đề nghị của luật sư
Theo bản án sơ thẩm, Ban quản lý rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu được UBND tỉnh giao quản lý 3872,2 ha rừng phòng hộ tại các tiểu khu 238, 245, 257, 258A, 258C (xã Hương Trạch) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH800994 ngày 5/6/2008, trong đó, diện tích tại khoảnh 2, tiểu khu 245 là 777,38ha.
Thấy một số người dân trên địa bàn xã có nhu cầu xin cấp đất rừng làm trang trại trồng cây keo tràm, nên Hà Thừa Bình nảy sinh ý định sẻ phát rừng để lấy đất làm trang trại.
Ngày 8/7/2015, Bình gặp anh Đinh Văn Đề (SN 1962) và Nguyễn Hải Vân (SN 1965) là người cùng xã thuê vào khoảnh 2, tiểu khu 245 (thuộc xóm Tân Dừa) để sẻ phát rừng. Đề và Vân đồng ý rồi gọi thêm Trần Thị Thanh (SN 1972), Đinh Thị Viện (SN 1968), Nguyễn Văn Cường (SN 1997), Nguyễn Anh Tuấn (SN 1997), Nguyễn Văn Anh (SN 2000) đều là người cùng xã tham gia sẻ phát.
Khoảng 6h ngày 8/7/2015, Bình dẫn mọi người mang theo rựa mồng tơi đi vào khoảnh 2, tiểu khu 245 để sẻ cây, đốt rừng làm rẫy; đến 9h ngày 9/7/2015, tổ tuần tra Trạm Rào Rồng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu phát hiện và bắt giữ. Tổng diện tích rừng bị sẻ phát chặt hạ, đốt là 11.660m2.
Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản, giá trị rừng bị chặt phá là 142.950.000 đồng; giá trị về môi trường là 571.800.000 đồng.
Ban mặt trận thôn Tân Dừa cùng hàng trăm người dân đã ký đơn yêu cầu điều tra, xét xử lại vụ án trung thực, kháh quan
Trên cơ sở xem xét tính chất, hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ngày 17/1/2017, TAND huyện Hương Khê tuyên phạt Hà Thừa Bình 5 năm tù giam.
Các đối tượng còn lại được Bình thuê với mục đích sẻ phát lấy tiền công, không biết đó là rừng phòng hộ mà nghĩ rằng rừng đó đã được giao cho Bình quản lý, sử dụng nên không xem xét xử lý vai trò đồng phạm trong vụ án.
Tuy nhiên, bị cáo Hà Thừa Bình đã kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm bởi còn nhiều nội dung chưa được làm rõ liên quan như: trách nhiệm của ban quản lý rừng, căn cứ để xác định ranh giới rừng phòng hộ. Liên quan số lượng cây, diện tích cây rừng bị các đối tượng chặt phá còn nhiều điểm mâu thuẫn. Sự vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong quá trình điều tra liên quan đến công tác xác minh và khám nghiệm hiện trường. Ngoài ra, Tòa cấp sơ thẩm không xem xét thỏa thuận tự nguyện của các đương sự về bồi thường dân sự.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Hương Khê đã gây bức xúc cho hàng trăm người dân thôn Tân Dừa. Ban Mặt trận thôn và hàng trăm người dân đã ký đơn yêu cầu điều tra, xét xử lại vụ án một cách trung thực, khách quan, toàn diện. |