Đây là một trong những điểm mới của dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH; CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố để xin ý kiến dư luận.
Theo dự thảo, Điều 17, khoản 3 Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau: Đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.”
Một giờ dạy của giáo viên tiểu học. Ảnh: Thanh Hùng
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện các trường đại học khẳng định việc này sẽ giúp chất lượng đầu vào sư phạm tốt hơn nhiều song không dễ để tuyển sinh, thậm chí nhìn thấy trước viễn cảnh có thể phải đóng cửa một số ngành đào tạo bởi nhiều lý do.
GS.TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh chia sẻ:
“Đây là một xu hướng tốt cho việc sàng lọc chất lượng đầu vào đội ngũ sư phạm bởi số học sinh lớp 12 trừ khu vực thành phố thì các huyện, để được xếp loại giỏi không nhiều. Theo thống kê hàng năm của chúng tôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An (một trong những tỉnh lớn và đông người) số này chỉ khoảng hơn 10%.
Xét tuyển với loại giỏi là một bước tiến rất lớn. Tuy nhiên, chưa thể tin tưởng một cách tuyệt đối ở học bạ và coi đó là thông tin đầy đủ và chính xác được. Riêng học sinh trường chuyên, nếu đạt loại giỏi, thì có thể bớt “nghi ngại”, nhưng ở các trường việc đánh giá giỏi hay không đôi khi còn phụ thuộc vào mặt bằng học sinh của trường đó, như vậy có thể thiếu khách quan. Do đó, theo tôi ngoài ngưỡng đảm bảo với học bạ thì cần có thêm là điểm kỳ thi THPT quốc gia các môn phải đạt được một ngưỡng nhất định nào đó. Bởi kỳ thi THPT quốc gia là dùng chung cho cả nước nên xét được trên một mặt bằng chung”.
Theo ông Khoa, khi áp dụng điều này, chắc chắn việc tuyển sinh của không chỉ trường mình mà các trường đào tạo sư phạm khác cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
“Học sinh có học lực loại giỏi không nhiều trong khi còn đổ vào các ngành nghề khác chứ không phải chỉ vào sư phạm. Bởi ngành sư phạm không phải là ngành hot được thu hút nhiều trong xã hội bây giờ, khó xin việc làm. Thêm rào cản thì tuyển được người giỏi hơn nhưng đổi lại các trường đào tạo sư phạm rõ ràng sẽ gặp phải khó khăn”.
Theo ông Khoa, mục đích của Bộ GD-ĐT là tốt đẹp nhưng phải giải quyết khó khăn cho các trường sư phạm như việc làm cho các giảng viên sư phạm,…
Bản thân ủng hộ để chất lượng giáo viên tốt hơn nhưng ông cũng phải chấp nhận khó khăn: “Thậm chí chúng tôi đã nghĩ đến viễn cảnh xấu nhất là phải đóng cửa nhiều ngành vì không thể tuyển sinh được, ví dụ như giáo dục thể chất. Bởi nếu xét tuyển học bạ thì mấy khi có học sinh xếp học lực loại giỏi lớp 12 theo làm giáo viên thể dục được. Cũng đành phải chấp nhận thôi”.
PGS.TS Lê Văn Trưởng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức cũng ủng hộ điều này. Tuy nhiên, ông cho rằng không nên áp dụng chung cho tất cả các ngành đào tạo sư phạm. Đặc biệt cần trừ ngành sư phạm mầm non.
“Bởi cả nước hiện vẫn đang thiếu giáo viên mầm non và tiểu học. Ngoài ra, ở cấp này cũng không cần đầu vào quá giỏi. Mặc dù Trường ĐH Hồng Đức chưa xét học bạ để tuyển sinh khối ngành sư phạm, trừ giáo dục thể chất, nhưng ngành này thì theo tôi chỉ cần học lực trung bình trở lên thôi là được. Có nghĩa cần phải xem xét đến từng yếu tố đặc thù, tùy từng ngành mà áp dụng”.
Ông Đỗ Văn Xê, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ: “Đây là điều mà nhiều người mong muốn. Tuy nhiên, thực tế nhiều học sinh giỏi không muốn vào sư phạm. Nếu học sinh giỏi không muốn vào sư phạm thì sẽ phải làm sao? Các trường sẽ gặp khó. Tôi thì nghĩ vấn đề quan trọng nhất là các trường làm sao đào tạo cho chất lượng và cũng không nên "thần thánh hóa" chuyện điểm đầu vào. Lấy người giỏi nhưng có đào tạo ra thành những giáo viên giỏi mới là chuyện quan trọng và chưa chắc người điểm cao thì chắc chắn ra là có những giáo viên giỏi”.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) lưu ý, điều này chỉ áp dụng với phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Tuy nhiên, với hình thức xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, Bộ cũng dự kiến đưa ra mức điểm đảm bảo chất lượng đầu vào cao.
“Với phương thức thi tuyển, chúng tôi cũng sẽ xác định mức điểm đảm bảo chất lượng đầu vào cao đối với các ngành đào tạo sư phạm, thậm chí cao hơn nhiều so với các năm trước. Bởi qua số liệu các tỉnh đã gửi về, nhu cầu của các địa phương năm nay tương đối ít. Chúng tôi sẽ dựa trên nhu cầu đào tạo của các địa phương để xác định mức điểm sàn qua đó hạn chế tình trạng dư thừa giáo viên như hiện nay”, ông Tuấn nói.
Tuyển sinh theo "đơn đặt hàng": Cần thí sinh từ 24 điểm
Tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu của địa phương là một định hướng đặt ra với ngành sư phạm để khắc phục bài toán "thừa, thiếu giáo viên". Thanh Hoá là địa phương đầu tiên làm việc này.
UBND tỉnh đã có đề án đặt hàng Trường ĐH Hồng Đức đào tạo mỗi năm mỗi ngành từ 10-15 em, ít nhất tổng điểm 3 môn là 24 điểm. Nếu đào tạo đạt các chuẩn thì tỉnh sẽ sử dụng và đảm bảo cho các em việc làm khi ra trường.
“Trước sức ép đào tạo giáo viên cho việc đổi mới chương trình, SGK mới thì tỉnh đặt hàng yêu cầu đầu vào 24 điểm với 3 môn không tính ưu tiên, ít nhất 8 điểm mỗi môn. Mầm non và tiểu học hiện vẫn đang thiếu giáo viên nên chúng tôi vẫn sẽ tuyển sinh bình thường như mọi năm, còn giáo viên cho cấp THCS và THPT thì mỗi ngành (môn) chỉ khoảng 10-15 em”, PGS-TS Lê Văn Trưởng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Các em sẽ được đào tạo theo chương trình chất lượng cao. Tỉnh cam kết sẽ sử dụng khi các em tốt nghiệp ra trường. Được biết, mỗi sinh viên sẽ được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng mỗi năm.