Học phí đại học tăng mạnh

Thực hiện cơ chế tự chủ và áp dụng khung mới, học phí năm học 2022-2023 ở các đại học tăng mạnh, trung bình 4-10 triệu đồng/năm.

Đầu tháng 4, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố chỉ tiêu, phương thức và mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh 2022. Theo đó, học phí năm tới là 4,2 triệu đồng/tháng, mỗi năm sau tăng thêm 200.000 đồng/tháng. Tính toàn khóa, sinh viên nhập học năm 2022 cần nộp khoảng 180 triệu đồng trong bốn năm.

So với mức đang được trường áp dụng trong năm học 2021-2022 là 3,5 triệu đồng/tháng, mức thu mới tăng 0,7-1,3 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20-37%.

Trước đó, vào cuối tháng 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra học phí dự kiến theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà là 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021 với 276.000 (hệ đại trà) và 771.000 (hệ chất lượng cao).

Chương trình đại học chính quy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền có tổng 143 tín chỉ. Với mức học phí mới, sinh viên cần nộp 63-188 triệu đồng trong bốn năm học.

Học phí đại học tăng mạnh

Sinh viên khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa TP HCM trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Mạnh Tùng

Ở phía Nam, hàng loạt trường công bố đề án tuyển sinh với học phí tăng mạnh. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần.

Các trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM cũng công bố học phí dự kiến và lộ trình tăng cho từng năm. Tại Đại học Bách khoa, sinh viên trúng tuyển chương trình đại trà sẽ đóng 25 triệu đồng/năm; các năm tiếp theo tăng lên 27,5-30 triệu đồng. Mức thu này tăng 2-3 triệu đồng so với năm ngoái.

Với Đại học Công nghệ Thông tin TP HCM, học phí chương trình đại trà tăng theo lộ trình, ở mức 29-42 triệu đồng từ năm nay đến 2025. Với chương trình tiên tiến, học phí theo lộ trình tương ứng 45-55 triệu đồng/năm; chương trình liên kết 80-138 triệu đồng.

Với Khoa Y, toàn bộ ngành được đào tạo theo hệ chất lượng cao. Học phí giai đoạn 2022-2023 với từng ngành, gồm: Y khoa 66-72,6 triệu đồng/năm; Dược 60-66,5 triệu; Răng Hàm Mặt 96,8-106 triệu đồng/năm. Học phí năm sau cao hơn năm trước trung bình 10%.

Tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, học phí mới cho đợt tuyển sinh 2021 tăng mạnh so với những năm trước. Chương trình đại trà thu 16-24 triệu đồng, tùy ngành; tăng khoảng gấp đôi. Ở chương trình chất lượng cao, trường thu 60 triệu đồng/năm. Với chương trình liên kết quốc tế 2+2, học phí dao động 45-82 triệu đồng/năm.

Học phí tại các trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Công nghiệp, Sài Gòn, Kinh tế TP HCM, Tôn Đức Thắng, Luật, Công nghiệp Thực phẩm... dự kiến đều tăng so với các năm trước, trung bình 3-10 triệu đồng/năm.

Theo lý giải của các trường, học phí tăng bởi các đại học phải xây dựng khung mới, theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.

Cụ thể, theo khung quy định, học phí tất cả khối ngành năm 2022-2023 đều tăng so với năm trước, dao động từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Trong đó, khối Y dược, ngành sức khỏe khác tăng mạnh nhất với 4,2-10,2 triệu đồng/năm.

Với trường công lập tự chủ, tùy mức độ (tự chủ đảm bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư), học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần trên, tương ứng với khối ngành và từng năm học.

Học phí đại học tăng mạnh

Mức trần học phí từ năm học 2022-2023 với trường chưa tự chủ, theo Nghị định 81/2021.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho rằng, tăng học phí đại học là tất yếu bởi hai nguyên nhân.

Thứ nhất, khi các trường thực hiện tự chủ hoàn toàn, không được hưởng ngân sách Nhà nước, phải có nguồn kinh phí bù lại phần hao hụt này. Tăng học phí mới đảm bảo để trường có đủ kinh phí hoạt động.

Thứ hai, học phí tăng nhằm bù đắp chi phí trượt giá và đầu tư, đảm bảo vận hành chương trình và chuẩn đầu ra. “Cũng nhờ nguồn tài chính này, nhà trường mới tăng được quỹ học bổng, giúp đỡ được sinh viên khó khăn”, ông Sơn cho biết.

PGS TS Lê Trung Thành, Trường phòng Đào tạo, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, mức học phí trường đưa ra đã được nghiệm thu, phê duyệt bởi đại diện bộ Tài chính, Giáo dục và cơ quan chủ quản.

Đại diện trường Đại học Kinh tế cho biết song song với tăng học phí, trường sẽ chú trọng đến các chính sách học bổng, vay lãi suất thấp để hỗ trợ sinh viên. “Chúng tôi sẽ tích cực làm việc với các doanh nghiệp, đối tác để thu hút học bổng cho các em”, ông Thành nói.

Cả nước có khoảng 240 cơ sở giáo dục đại học. Từ năm 2014, 23 trường bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Từ tháng 7/2019, khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi được áp dụng, các trường dần thực hiện quyền tự chủ đại học . Năm 2021, học phí đại học từng tăng mạnh, nhiều trường có mức tăng gấp đôi .

Theo Mạnh Tùng - Thanh Hằng/VNE

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.