VIDEO: Học sinh tiểu học Can Lộc hào hứng tham gia các trò chơi dân gian trên sân trường
Nhằm tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh, nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện Can Lộc như: Ngô Đức Kế (thị trấn Nghèn), Phúc Lộc (xã Thuần Thiện), Phú Lộc (xã Phú Lộc)… đã tái hiện những mô hình trò chơi dân gian thú vị ngay tại sân trường.
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Đức Kế chơi kéo co trong giờ ra chơi.
Hòa cùng tốp bạn đang hào hứng tham gia các trò chơi, em Nguyễn Bảo Hân (lớp 3A - Trường Tiểu học Ngô Đức Kế) cho biết: “Trong các trò chơi thì em thích nhất là ô ăn quan. Ở trường, các cô giáo đã vẽ sẵn trên sân trường những bàn chơi rất đẹp với nhiều màu sắc sinh động, những viên sỏi mịn, vừa tay cầm. Trò chơi này đòi hỏi khả năng tính toán, tập trung nhưng lại rất vui vẻ, mang lại sự thích thú cho em và các bạn”.
Bàn chơi ô ăn quan được tô vẽ đầy màu sắc thu hút các em học sinh.
Bên cạnh trò chơi ô ăn quan, Trường Tiểu học Ngô Đức Kế còn có 5 mô hình trò chơi dân gian khác, gồm: nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây, kéo co.
Cô Vũ Thị Hải Yến - giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Ngô Đức Kế cho biết: “Trước đây, các trò chơi dân gian được học sinh trong trường tổ chức chơi thường xuyên. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây nhà trường đã đầu tư, thiết kế các ô trò chơi đủ màu sắc trên sân để thêm phần sinh động. Với hơn 1.200 em học sinh, nhà trường đang định hướng mở rộng quy mô và đa dạng hơn các trò chơi để các em đều được tham gia".
Các vật liệu như tre nứa, giấy màu được giáo viên cùng phụ huynh tìm kiếm, tận dụng để làm những cây sạp đẹp mắt. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Phúc Lộc chơi nhảy sạp.
Giờ ra chơi ở Trường Tiểu học Phúc Lộc (xã Thuần Thiện) thời gian này cũng luôn rộn ràng với những nhịp nhảy sạp. Những tiếng sạp lách cách trên sân trường hòa cùng tiếng nhạc rộn ràng đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ngoài ra, các em cũng được tổ chức chơi các trò như: nhảy bao bố, nhảy lò cò, mèo đuổi chuột, ô ăn quan…
Việc xây dựng mô hình các trò chơi dân gian không tốn quá nhiều chi phí, thường chỉ mất khoảng 200-300 nghìn đồng mua nguyên vật liệu như" sơn, phấn màu, giấy trang trí... Một số trò chơi cần đạo cụ như: bao bố, sạp, cà kheo được giáo viên tìm nguyên liệu tái chế, quấn giấy màu tân trang lại để phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học.
Các hoạt động trang trí, tái chế vật liệu làm trò chơi dân gian thường diễn ra vào dịp hè hoặc đầu năm học mới. Ban Giám hiệu sẽ huy động ngày công của giáo viên và phụ huynh để vẽ mới các ô trò chơi bị mờ; dán giấy màu tre, nứa để chơi nhảy sạp.... Nhờ đó, sân chơi của các em học sinh Trường Tiểu học Phúc Lộc luôn đa dạng các trò chơi rực rỡ sắc màu.
“Vào khoảng tháng 8 hằng năm, nhà trường lại huy động nguồn lực từ giáo viên mỹ thuật, thể dục và phụ huynh để làm mới lại các ô trò chơi cho các em học sinh. Những vật dụng như tre nứa, rổ, rá cũ được tái chế, tận dụng để làm đạo cụ cũng như trang trí cho khuôn viên trường. Ngoài ra, các học sinh cũng chính là người đưa những trò chơi mang đậm bản sắc của riêng địa phương để đến áp dụng tại trường”, cô Nguyễn Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Lộc cho hay.
Học sinh Trường Tiểu học Phúc Lộc chơi nhảy bao bố.
Việc tô vẽ, “làm đẹp” những mô hình trò chơi dân gian trên sân trường không chỉ tạo nên sân chơi cho các em mà còn giúp tô điểm thêm cho khuôn viên nhà trường, tạo cảnh quan tươi mới, đầy sắc màu.
Học sinh tiểu học là lứa tuổi khá hiếu động, việc có sân chơi được tổ chức bài bản sẽ góp phần giúp nhà trường dễ quản lý học sinh, các em được vui chơi lành mạnh, tránh được những trò chơi nguy hiểm gây chấn thương.
Ngoài ra, việc đầu tư sân chơi, đạo cụ trò chơi sẽ tạo cho các em hứng thú khi đến trường, giảm bớt căng thẳng sau những giờ học, mạnh dạn tham gia vào những hoạt động tập thể. Thông qua trò chơi dân gian, nhiều em sẽ trang bị được kĩ năng sống và hòa nhập cùng bạn bè.
Hiện, đa số trường tiểu học trên địa bàn huyện Can Lộc đang triển khai đa dạng những trò chơi dân gian, nhiều trường còn tìm hiểu sâu về những trò chơi dân gian tại địa phương để áp dụng vào trường học. Điều này không chỉ tạo sân chơi học đường mà còn giúp giáo viên truyền tải những thông điệp, giáo dục truyền thống quê hương đất nước, bản sắc dân tộc cho học sinh.