Đối với chương trình ôn tập tổ hợp môn Khoa học xã hội, các trường đã xây dựng chi tiết theo hướng giảm kiến thức khó, nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa
Dạy học theo chủ đề, theo đối tượng và theo mức độ câu hỏi đang là phương pháp mà Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh) áp dụng cho 570 học sinh khối 12 ngay sau kỳ thi thử do Sở GD&ĐT tổ chức.
Cô Lê Thị Tú Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh cho biết: “Kết quả kỳ thi thử đã trở thành căn cứ để chúng tôi đánh giá năng lực học sinh. Cũng vì thế, tại thời điểm nước rút này, việc ôn luyện kiến thức cho học sinh được nhà trường tổ chức linh hoạt hơn. Trường giao chỉ tiêu cho từng bộ môn để các tổ chủ động kế hoạch củng cố kiến thức phù hợp với từng đối tượng”.
Thời điểm này, các trường THPT đang chạy đua với thời gian để hoàn thành cơ bản chương trình chính khóa và dành nhiều thời gian cho công tác ôn luyện. Nhiều giải pháp đang được đồng loạt triển khai như: Phân loại đối tượng để có chương trình ôn tập, hệ thống kiến thức phù hợp, mở thêm nhiều lớp “chống trượt” miễn phí cho học sinh để các em có đủ kiến thức vượt qua kỳ thi; tổ chức họp phụ huynh để thông báo kết quả của kỳ thi thử, đồng thời tư vấn cho các bậc cha mẹ trong việc đồng hành, tiếp sức con trong giai đoạn nước rút.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn tăng cường việc tự học để tích luỹ và mở rộng kiến thức
Tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên): “Ngoài củng cố kiến thức bằng nhiều đề thi dạng mẫu, các thầy cô tăng cường hình thức hỏi - đáp để giúp các em nắm chắc kiến thức phục vụ cho phần thi trắc nghiệm. Trong quá trình dạy và giải đề thi, những vướng mắc của học sinh đều được hướng dẫn, giải đáp kịp thời để các em rút kinh nghiệm. Thời gian này, trường cũng hướng dẫn học sinh tự học, động viên các em tham gia học nhóm, tư vấn phân bố thời gian tự học hợp lý giữa các môn” - Thầy Hoàng Quốc Quyết, Hiệu phó nhà trường cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, học sinh lớp 12 ở các trường THPT đã trải qua 3 lần thi thử được tổ chức theo trường, theo cụm. Đặc biệt lần thi thứ 3 do Sở GD&ĐT tổ chức trong tháng 4 vừa qua được thực hiện bài bản, nghiêm túc như kỳ thi chính thức. Đây là cơ hội để tập dượt cho học sinh về tâm lý, kinh nghiệm, cách thức làm bài thi và cũng là cơ sở để các trường nhìn nhận lại kết quả học tập ôn luyện, năng lực của học sinh, từ đó kịp thời điều chỉnh việc dạy học, ôn tập.
Học sinh tranh thủ giờ giải lao để cùng nhau ôn luyện kiến thức
Thầy Trần Hậu Tú - Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông Sở GD&ĐT cho biết: “Ngay sau kết quả của kỳ thi thử, sở đã tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng ôn thi THPT quốc gia cho các trường THPT với 5 môn: Toán, Văn, Lịch sử, Sinh học, Hóa học. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tiến hành rà soát những đơn vị tốp sau để kiểm tra và tư vấn chuyên môn. Ngoài ra, thời gian này, ngành cũng đẩy mạnh việc đốc thúc các trường phân hóa học sinh để dạy học và ôn tập phù hợp với từng nhóm học lực, trong đó đặc biệt quan tâm đối tượng học lực yếu và trung bình”.
Bên cạnh việc thực hiện công tác chỉ đạo của Sở GD&ĐT với nguyên tắc chú trọng việc ôn tập nhưng tuyệt đối không cắt giảm chương trình, các trường cũng đã có những cách làm riêng để chuẩn bị hành trang kiến thức cho các em. Riêng chương trình ôn tập tổ hợp môn Khoa học xã hội, các trường cũng xây dựng chi tiết theo hướng giảm kiến thức khó, nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa. Trong quá trình dạy, các thầy, cô giáo bộ môn thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, dẫn chứng cụ thể, nhiều vấn đề mang tính thời sự. Từ đó, giúp học sinh rèn kỹ năng viết, tự học, sử dụng thành thạo sơ đồ tư duy để làm tốt bài thi tự luận và trắc nghiệm.
Cùng với sự khẩn trương của các nhà trường, những ngày này các sĩ tử cũng đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị hành trang cho kỳ thi. Em Lê Thị Quỳnh - Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc) cho biết: “Ngoài thời gian học ở trường, em còn thường xuyên lên mạng tìm những đề thi mẫu để thực hành. Những câu hỏi chưa làm được, em tìm bạn bè để thảo luận hoặc nhờ thầy cô hướng dẫn. Với cách học này, em nhận ra thiếu sót của mình để bổ sung kiến thức, đồng thời đúc rút cho mình cách phân phối thời gian hợp lý cho từng câu hỏi trong đề thi”.
Kỳ thi THPT quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính quyết định đến tương lai của học sinh sau 12 năm đèn sách. Đây chính là thời điểm mà các em học sinh rất cần sự quan tâm của các thầy cô giáo, nhà trường và phụ huynh để có sự chuẩn bị tốt nhất khi bước vào kỳ thi.