Đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Thực hiện lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nhất là ứng phó với tác động của dịch Covid-19, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ GD&ĐT có nhiều điểm mới.
Theo đó, thay vì được tổ chức trong 3 ngày như trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/8. Cách thức thi cơ bản giữ ổn định như thi THPT quốc gia năm 2019. Thí sinh sẽ làm 3 bài thi bắt buộc gồm: Toán (90 phút), Ngữ văn (120 phút), Ngoại ngữ (60 phút) và 1 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học - 50 phút) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý hoặc Giáo dục công dân - 50 phút).
Điểm mới của kỳ thi còn là việc trao quyền tự chủ cho các địa phương. Theo đó, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương mình. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đảm bảo an toàn, nghiêm túc.
Khác với trước, các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi, chấm thi tại địa phương, mà chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi.
Kết quả của kỳ thi được dựa trên việc phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.
Đến thời điểm hiện tại, các trường học ở Hà Tĩnh đang gấp rút triển khai dạy học, ôn tập kiến thức cho học sinh.
Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về một kỳ thi nghiêm túc, gọn nhẹ, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong điều kiện còn nguy cơ của dịch bệnh, đại biểu các tỉnh, thành cũng đã tập trung thảo luận một số giải pháp trong công tác chuẩn bị.
Đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc
Kết luận hội nghị, Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý, để kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các trường dạy học, ôn tập bám sát hướng dẫn. Sau buổi họp này, các sở GD&ĐT tham mưu cho địa phương thành lập ban chỉ đạo kỳ thi, hội đồng thi.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải tuyệt đối chấp hành nghiêm quy chế kỳ thi. Việc tập huấn cán bộ coi thi phải lấy chất lượng làm đầu. Công tác kiểm tra, thanh tra phải được tăng cường ngay cả trong quá trình chuẩn bị với tinh thần không lơ là, chủ quan.
Chất lượng thanh tra, ngoài chuyên môn nghiệp vụ cần chú trọng vấn đề đạo đức, trách nhiệm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn lưu ý Sở GD&ĐT tiếp thu, quán triệt các ý kiến chỉ đạo
Ngay sau buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng đã lưu ý Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tiếp thu, quán triệt các ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để tham mưu tỉnh trong công tác tổ chức kỳ thi THPT 2020 trên địa bàn. Kỳ thi phải đáp ứng yêu cầu, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công khai minh bạch.
Năm 2020, Hà Tĩnh có hơn 15 ngàn học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường tăng cường truyền thông, cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi và công tác tuyển sinh; giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến kỳ thi và tuyển sinh. Chỉ đạo việc dạy và học, hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020; tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và phù hợp với thực tế của địa phương. Ngoài việc tham mưu cho tỉnh trong công tác tổ chức kỳ thi, Sở GD&ĐT cũng đã và đang tổ chức rà soát lại điều kiện, cơ sở vật chất tại các điểm thi bảo đảm các quy định. |