Video: Cặp vợ chồng gần 45 năm giữ nghề đan kiềng
Ông Trần Xuân Liên (SN 1955), thường được mọi người trong thôn Ái Quốc gọi là “ông kiềng giang”, bởi đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề đan kiềng. Thôn Ái Quốc trước đây có tên là làng kiềng Triều Thượng, nghề đã có từ hàng trăm năm nay và đã nuôi lớn bao thế hệ. Trải qua bao thăng trầm, phần vì sự xuất hiện của những sản phẩm công nghiệp giá cạnh tranh, phần vì tính chất đặc thù đòi hỏi sự tỉ mẩn cao nên nghề đan kiềng bị mai một...
Hiện tại, vợ chồng ông Liên là hộ duy nhất ở xã Cẩm Duệ còn giữ nghề đan kiềng. Để hoàn thiện được một chiếc kiềng phải trải qua nhiều công đoạn như: vót giang, gầy giang, vào giang, đan giang, nấn giang... Trong đó, công đoạn khó nhất là vào giang, bởi chiếc kiềng làm ra có đúng tỷ lệ với khuôn nồi hay không đều phụ thuộc vào bước này. Với kinh nghiệm lâu năm, ông Liên thường mất khoảng 15 phút để “đúc” ra một chiếc kiềng vừa thẩm mỹ vừa có độ bền cao.
Để làm ra được những chiếc kiềng có độ bền cao, khâu chọn vật liệu cũng rất quan trọng, ông Liên thường chọn những cây giang ở trong rừng, loại giang để làm kiềng là loại cây vừa và nhỏ nên khi chặt về làm kiềng sẽ không tác động lớn đến phát triển rừng mà còn có tác dụng phát quang cho rừng. Giang sau khi được chặt từ trong rừng về sẽ được vót nhỏ, sau đó đem phơi 1 - 2 nắng. Đặc tính của giang rất sắc, nên trong quá trình làm bị giang cứa đứt tay là điều không tránh khỏi, bởi vậy, phải cắt những ống nước để làm “áo giáp” bảo vệ.
Vợ ông Liên, bà Nguyễn Thị Quy (SN 1957) là người thợ rành nghề, khéo tay. Học nghề đan kiềng từ bà ngoại năm 16 tuổi, đến nay đã ngoài lục tuần, bà Quy giờ đây “nhắm mắt cũng vào giang đều, đẹp, không sai một giang nào”. Cũng nhờ kinh nghiệm được tích lũy hàng chục năm, sản phẩm kiềng của vợ chồng ông Liên được người dân trong và ngoài huyện tìm mua.
Dẫu đôi tay của bà ấy đã già đi theo năm tháng, nhưng kỹ thuật đan của bà vẫn như thuở còn xuân sắc. Bà vẫn nhanh nhẹn ở mỗi công đoạn, đều tay bên những chiếc kiềng.
Công đoạn đan kiềng đòi hỏi người làm phải tập trung, vừa đan, vừa uốn để sản phẩm khi hoàn thiện không được sai mắt nào.
Sau khi chuẩn bị xong phần vật liệu, ông Liên chuyển sang đan cùng vợ. Thời gian trôi qua, nghề đan kiềng cũng lận đận, lời lãi ít dần, hầu hết những người từng gắn bó “máu thịt” với nghề đã từ bỏ. Riêng vợ chồng ông Liên, từ bé đã được gia đình truyền cho lòng kiêu hãnh của một người con làng nghề, đã tự hứa sẽ gắn bó và gìn giữ công việc này, như cách ông nội và mẹ đã truyền nghề cho tôi.
Mỗi ngày vợ chồng Liên làm được khoảng 50 - 60 chiếc kiềng, công việc mang lại thu nhập quanh năm cho gia đình. Với giá bán dao động từ 6.000 - 12.000 đồng/cái, tùy vào kích cỡ, mỗi ngày vợ chồng ông cũng kiếm được gần 300.000 đồng.
Kỳ công trong từng công đoạn, tỉ mẩn trong từng chi tiết là những gì mà vợ chồng ông Liên thường nói về cái nghề đã gắn bó với mình suốt gần 45 năm nay.
Để chiếc kiếng được tròn đều, không bị méo, vợ ông Liên thường dùng chân hoặc cán dao để nấn xung quanh vành kiềng.
Đôi mắt chăm chú, đôi tay thoăn thoắt, chỉ trong chốc lát, vợ ông có thể làm được một chiếc kiềng chắc chắn, mắt kiềng đều như được đúc ra từ một khuôn. Mỗi ngày bà có thể làm được khoảng 30 - 40 chiếc kiềng.
Nghề đan kiềng được vợ chồng ông Liên duy trì quanh năm, nhưng cao điểm nhất là dịp tết, mỗi ngày vợ chồng ông phải đan trên 100 cái. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi phải dậy từ sớm và thức đến khuya để kịp các đơn hàng. Tuy nhiên, những tháng còn lại, nhu cầu ít hơn, trung bình mỗi ngày chỉ đan khoảng 40 cái.
Tuy nghề đan kiềng không mang lại thu nhập cao, nhưng có ưu điểm là tận dụng được thời gian rảnh rỗi. Vợ chồng ông Liên có 7 đứa con, nhưng cả 7 đứa không đứa nào giữ nghề của bố mẹ. Vợ chồng ông Liên vẫn thường hay bảo nhau: Thôi thì cố gắng đến khi nào mắt còn tỏ, tay còn chưa run để giữ lấy nghề, để không phụ nghề đã nuôi sống cả gia đình mình suốt gần cả cuộc đời.
Nghề đan kiềng tuy vất vả nhưng đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo, có kinh tế ổn định, nuôi dạy con cái trưởng thành. Từ nghề đan kiềng, vợ chồng ông đã nuôi dạy được 5 đứa con học đại học. Đó là niềm tự hào, động lực để vợ chồng càng thêm yêu nghề.
Kiềng sau khi đan xong sẽ được vợ chồng ông Liên đem đến chợ đầu mối Hà Tĩnh để nhập cho tiểu thương hàng nồi đất, hàng tre, nứa, mây, giang...
Những chiếc nồi đất được “khoác” trên mình những kiềng giang chắc chắn, dày công của những người thợ rành nghề.
Trải qua hàng trăm năm, nghề đan kiềng vẫn còn được lưu giữ, những chiếc kiềng theo chân các mẹ, các chị đi đến mọi miền quê. Để khi vô tình bắt gặp, chúng ta lại nao nao nhớ về thuở gian khó, nơi chôn nhau, cắt rốn của mình...