Hồn quê giữa lòng thành phố

(Baohatinh.vn) - Khi những cơn gió đầu đông se lạnh tràn về cũng là lúc trên khắp nẻo đường phố xá xuất hiện các hàng ngô, khoai nướng mùi thơm nức mũi mời gọi khách qua đường. Nét hồn quê dân dã, hấp dẫn này cũng chất chứa câu chuyện về những mảnh đời vất vả mưu sinh giữa lòng phố thị...

Trời nhá nhem tối, đi dọc các con đường: Xuân Diệu, Phan Đình Phùng, Trần Phú… hương thơm ngọt bùi, phảng phất của ngô, khoai nướng đã nhẹ nhàng phả vào trong lòng thành phố chút hơi ấm đầu đông. Đã từ lâu, những món quà bình dị, dân dã ấy lại có sức hút mạnh mẽ mỗi khi trời chuyển lạnh. Chỉ với 10.000 - 15.000 đồng, khách qua đường có thể vừa nhâm nhi một bắp ngô nướng thơm dẻo, vàng ươm hay một củ khoai ngọt bùi, nóng hổi trên tay, vừa ngắm phố phường vào đông.

hon que giua long thanh pho

Những củ khoai to tròn, bùi bùi, béo ngậy cùng những bắp ngô hạt căng mẩy đã trở thành một nét hồn quê dân dã giữa lòng thành phố.

Từ 7h tối, quán ngô nướng của chị Bình (45 tuổi, TP Hà Tĩnh) ở góc ngã tư đường Phan Đình Phùng giao đường Nguyễn Chí Thanh đã rất đông khách, chủ yếu là các bạn trẻ đến thưởng thức thú vui đầu mùa lạnh. Chỉ với đôi ba chiếc bàn, vài sọt ngô, khoai, mía và một chiếc bếp than hoa, mỗi tối, quán của chị cũng thu hút gần 20 lượt khách. Tay thoăn thoắt quạt than, thi thoảng trở từng củ khoai, bắp ngô cho chín đều, chị Bình còn cẩn thận bày biện thêm vừng lạc, xúp cho khách ăn kèm. Từng củ khoai to tròn, ngọt bùi, nóng hổi hay những bông ngô hạt đều, vàng ươm được phết thêm bơ cay cho vừa ý khách.

Chị chia sẻ: “Hai vợ chồng chị lấy nhau tay trắng, sinh được đứa con đầu thì bị bệnh thần kinh não. Gia tài chỉ có chiếc xích lô chở hàng của chồng. Ban ngày, chị làm nông; buổi tối, bán thêm ngô, khoai để trang trải cuộc sống. Những ngày rét buốt, không có khách cũng phải ngồi đến khuya chỉ mong bán được thêm hàng. Đó là chưa kể thi thoảng gặp khách say rượu vào ăn không trả tiền, vất vả lắm em ạ!”.

5 năm qua, quầy nước chè có thêm món ngô, khoai nướng của ông bà Hữu (63 tuổi, TP Hà Tĩnh) trên đường Xuân Diệu luôn tấp nập thực khách những ngày đông về. Hằng ngày, khoảng 18h, vợ chồng ông lại đưa hàng ra bán đến tận 23h. Có những khách ngày nào cũng ghé uống đôi chén nước, ăn vài miếng ngô rồi trở thành quen thân. Biết tính khách, bà chủ luôn chú ý chọn những củ khoai ruột vàng để nướng, ngô cũng nhất định phải chọn loại ngô nếp căng tròn, mẩy hạt, có vậy mới tạo uy tín để khách nhớ đến.

Trước đây, 2 ông bà cũng làm nhiều nghề để sống, giờ già cả không còn làm được việc nặng nhọc mà con cháu cũng không dư dả gì. Ông Hữu chia sẻ: “Khi còn khỏe, tôi kinh doanh phân bón, bà nhà tôi đi giúp người ta việc này việc kia, giờ già rồi, không làm được nữa nên ra đây kiếm chút tiền từ củ khoai, chén nước. Hôm nào ế thì 2 vợ chồng ngồi sưởi ấm rồi về. Tuổi già, sức yếu, thời tiết cũng ngày càng trở lạnh nên thi thoảng, vợ tôi phải nghỉ bán”.

Phía sau những gánh hàng ngô, khoai dân dã, còn rất nhiều câu chuyện mưu sinh của biết bao phận người. Sự hấp dẫn của những món quà quê cùng nét chân chất, mộc mạc của người bán dường như đã lôi cuốn khách qua đường dừng chân thưởng thức. Cắn một miếng khoai thơm dẻo, ngọt bùi, nhâm nhi một cốc nước chè xanh nóng hổi, vậy là đã có một buổi trò chuyện cùng bạn bè rôm rả hay đơn giản chỉ là cách thưởng thức dư vị mùa đông trong một tối se lạnh. Không phải chỉ có đói, khổ như xưa mới thích ăn ngô, khoai mà ngay cả khi đầy đủ sơn hào hải vị, mình cũng rất thích thưởng thức vị dẻo thơm, ngọt bùi của những món ăn đậm chất tuổi thơ này” - bạn Thảo Linh (nhân viên ngân hàng) chia sẻ.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.