Mỗi tháng 3 ngày, sau khi nghe thông báo trên loa của xóm, tất cả các gia đình của thôn 2 (Cẩm Vịnh) đều tự mang rác ra tập kết tại các khu vực quy định. Rồi lần lượt, theo các tuyến đường, hội phụ nữ xóm cùng thu gom, vận chuyển về điểm tập kết của xã.
Chị Trần Thị Lan – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 2, Cẩm Vịnh cho biết: “Nếu không có HTX môi trường thì nguy thật. Trước đây, rác ngổn ngang khắp nơi, vừa ô nhiễm vừa khó coi… Nhiều hôm đi gom, có hộ không phân loại rác thải, chúng tôi đeo găng tay phân loại ngay tại chỗ. Họ thấy thế nên lần sau thay đổi ngay… Việc thu gom rác thải, giữ gìn VSMT còn được Chi hội đưa vào tiêu chí xếp loại hội viên, gia đình văn hóa… Giờ thì mọi việc đã đi vào nền nếp”.
Công nhân HTX vệ sinh môi trường thị trấn Cẩm Xuyên thu gom rác thải |
Không chỉ thôn 2 mà tất cả các thôn ở xã Cẩm Vịnh đều tạo được bước chuyển trong thu gom rác thải và giữ gìn VSMT nông thôn kể từ khi HTX môi trường ra đời. Được thành lập từ tháng 7/2012, đến nay, các hoạt động của HTX hầu hết đều nhờ những cán bộ phụ nữ chịu khó, giàu tâm huyết và trách nhiệm đảm nhận. Chủ nhiệm HTX Môi trường Cẩm Vịnh Trần Văn Tân cho biết: Hiệu quả của HTX đã thấy rõ: giải quyết được cơ bản về rác thải sinh hoạt của bà con trước đây; môi trường nông thôn được đảm bảo về cả mặt vệ sinh lẫn mỹ quan.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là tính bền vững. Đến nay, mới chỉ có 86% số hộ trả phí thu gom rác thải (10 ngàn đồng/hộ/tháng), trong khi số tiền bỏ ra để thuê xe vận chuyển vào tập kết tại bãi rác của huyện đã chiếm hết kinh phí. Hạch toán, mỗi tháng mỗi thành viên chỉ được 223 ngàn đồng/4 ngày công trong điều kiện lao động nặng nhọc và môi trường độc hại. Bởi vậy, chị em chủ yếu đang làm việc vì trách nhiệm chứ không mấy mặn mà. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ không bền vững. HTX cũng đã tính đến chuyện mở thêm các dịch vụ khác để tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên nhưng chưa thể xoay trở được…
Thực trạng hoạt động của HTX môi trường ở Cẩm Minh cũng không ít lo ngại. Ra đời từ tháng 7/2011, HTX đã phát huy được chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, cũng như các HTX môi trường khác, điều lo ngại vẫn là tính bền vững. Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Minh Nguyễn Thị Lê cho biết: Hoạt động của HTX còn quá nhiều bất cập. Như năm 2013, kế hoạch thu là 82 triệu đồng nhưng chỉ đạt trên 50 triệu đồng, trong khi chi phí vận chuyển quá lớn. Mỗi tháng HTX phải chi 4 triệu đồng tiền thuê xe chuyên dụng tập kết về bãi rác huyện.
Một bất cập nữa là do chưa có qui hoạch bãi tập kết rác tại xã nên HTX còn phải chi thêm khâu vận chuyển trung gian, mỗi năm mất khoảng 5 triệu đồng. Mỗi chị em tham gia vài HTX cũng chỉ nhận được 260 ngàn đồng/tháng trong khi điều kiện làm việc hết sức vất vả. Riêng năm 2013, HTX vẫn chưa có kinh phí để thanh toán tiền công 6 tháng cuối năm cho chị em.
Tính đến thời điểm này, toàn huyện Cẩm Xuyên đã thành lập được 5 HTX môi trường và 2 tổ VSMT. Các HTX và tổ VSMT đều phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, giải quyết được cơ bản các vấn đề về rác thải sinh hoạt và nâng cao ý thức VSMT cho bà con nhân dân.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên Phạm Thị Hiên cho biết: Hiệu quả thì đã rõ nhưng điều quan tâm nhất hiện nay là làm sao để duy trì được hoạt động của các HTX về lâu về dài. Từ trước đến nay, chị em chủ yếu làm việc vì trách nhiệm, vì hoạt động của hội. Tuy nhiên, nếu tình trạng này còn kéo dài thì sẽ rất khó khăn trong duy trì hoạt động.
Thành lập được HTX môi trường đã khó, duy trì hoạt động còn khó hơn. Đó cũng chính là nỗi niềm trăn trở của các cấp hội phụ nữ Cẩm Xuyên. Và điều mà họ tha thiết mong muốn là được các cấp chính quyền quan tâm, chung sức tháo gỡ để đảm bảo HTX được duy trì bền vững.