Ngay sau pha Ngô Hoàng Thịnh vào bóng tai hại với Hùng Dũng, HLV Park đứng ngồi không yên trên khán đài. Khi thấy tình hình nghiêm trọng, ông đi thẳng xuống sân và chờ cạnh xe cứu thương để hỏi han Hùng Dũng. Sau trận đấu trên sân Thống Nhất, ông cùng các trợ lý còn vào bệnh viện để nắm bắt tình hình của tiền vệ sinh năm 1993.
HLV Park Hang-seo chạy theo cáng, thăm hỏi và động viên khi Hùng Dũng được đi cấp cứu tối 23/3. Ảnh: Lâm Thỏa
Hùng Dũng là cầu thủ quá tuổi duy nhất được HLV Park gọi lên ở cả hai đại hội thể thao, Asiad 2018 và SEA Games 2019. Nếu không bị chấn thương, anh luôn chắc suất đá chính ở hàng tiền vệ. Như tại Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022, Hùng Dũng đá trọn 10 trận, và chỉ vắng năm phút. Tiền vệ duy nhất chơi nhiều hơn là Nguyễn Quang Hải. Một trong những lý do HLV Park sử dụng Hùng Dũng nhiều ngang ngửa Quang Hải là sự đa năng. Hùng Dũng có thể chơi mọi vị trí ở tuyến giữa. Anh từng đá tiền vệ trung tâm và tiền đạo cánh trong sơ đồ 3-4-3, hay tiền đạo lùi trong 3-5-2 của HLV Park.
Hùng Dũng bắt đầu được tin tưởng từ Asiad 2018, nhưng anh chấn thương ở trận cuối vòng bảng gặp Nhật Bản và vắng giai đoạn còn lại. Đến AFF Cup 2018, anh lại chấn thương ở giai đoạn đầu, bán kết lượt về với Philippines và chung kết lượt đi gặp Malaysia. Chỉ từ năm 2019, với Asian Cup, Hùng Dũng mới trở thành quân bài chủ chốt của HLV Park. Thậm chí, đóng góp của anh không kém Quang Hải, và danh hiệu Quả Bóng Vàng 2019 cho thấy tầm quan trọng của Hùng Dũng.
Điểm mạnh của Hùng Dũng là sức bền và kỷ luật chiến thuật - yếu tố HLV Park đề cao. Anh sẵn sàng di chuyển rộng, từ trung lộ ra biên để gây áp lực. Còn khi đồng đội làm điều đó, Hùng Dũng sẽ di chuyển để bọc lót ở phía sau. Hiếm khi anh để hổng vị trí hay quên theo người ở trung lộ.
Triết lý của Park là phòng ngự phản công, khi đó khả năng của cầu thủ khi không có bóng càng quan trọng. Hùng Dũng có thể không xử lý bóng điệu nghệ như Tuấn Anh, không chuyền dài chính xác như Xuân Trường, không rê bóng tốt như Công Phượng hay không sút xa giỏi như Quang Hải. Đổi lại, Hùng Dũng hoàn thành ở mức ít nhất là tròn vai với các nhiệm vụ trên. Anh không xử lý điệu nghệ mà hướng tới sự tối giản, không kéo bóng lên bằng cách qua người mà chuyền bóng xuyên tuyến, không sút xa nhiều nhưng vẫn có thể ghi bàn khi cần.
Hùng Dũng mừng bàn nâng tỷ số lên 2-0 với cú sút xa, ở chung kết SEA Games 2019 gặp Indonesia. Ảnh: Đức Đồng
Chuyền xuyên tuyến là đưa bóng qua một tuyến của đối thủ, vào khe giữa hai cầu thủ đối phương. Phương án lên bóng này hiệu quả hơn nhiều so với rê dắt, về tốc độ lẫn sự an toàn. Rê bóng lên vừa tốn thời gian và làm chậm nhịp tấn công, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất bóng cao hơn. Tại SEA Games 2019, Hùng Dũng chuyền thành công 22 đường xuyên tuyến. Không cầu thủ Việt Nam nào chuyền xuyên tuyến nhiều hơn anh tại giải đó. Ở năm trận vòng loại thứ hai World Cup 2022, Hùng Dũng cũng chuyền xuyên tuyến nhiều nhất đội, với 10 pha.
Trong lối chơi phản công và chuyển trạng thái nhanh, Việt Nam có hai phương án đưa bóng lên. Một là phất bóng dài trực diện, để gây áp lực và đoạt bóng hai. Nhưng phương án này lúc được lúc không. Phương án hai là chuyền bóng xuyên tuyến, thường từ tiền vệ trung tâm lên tiền vệ tấn công. Hùng Dũng giúp tuyến giữa Việt Nam lên bóng chủ động, và nhanh hơn.
Vắng Hùng Dũng, một bài tấn công quen thuộc của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, đó là tạt bóng. Đây là cách phổ biến nhất để đưa bóng vào cấm địa, không chỉ với Việt Nam mà hầu hết đội bóng đều cố gắng tạt thật nhiều. Tại vòng loại World Cup, anh tạt bóng nhiều nhất cho Việt Nam, với 26 quả. Tương tự ở SEA Games, không ai tạt nhiều bóng hơn Hùng Dũng - với 37 quả.
Hùng Dũng không chỉ tạt bóng nhiều ở tình huống cố định, mà còn ở bóng sống. Dù thường chơi tiền vệ trung tâm, anh có xu hướng dạt biên để hỗ trợ tấn công cùng hậu vệ biên và tiền đạo cánh. Vai trò này Hùng Dũng đã quá quen thuộc khi anh thường xuyên thực hiện ở CLB Hà Nội. Thêm một người ở biên giúp Việt Nam phối hợp dễ dàng hơn, để tạo ra khoảng trống cho một cầu thủ tạt bóng. Nếu chỉ thống kê bóng sống, Hùng Dũng vẫn tạt nhiều nhất ở vòng loại World Cup, và nhiều thứ hai tại SEA Games sau Đỗ Thanh Thịnh.
Về chất lượng làm bóng, tiền vệ người Yên Viên, Hà Nội cũng đứng hàng đầu. Anh tạo ra nhiều cơ hội nhất, với 12 đường chuyền để đồng đội dứt điểm tại SEA Games. Anh cũng làm nhiều đường bóng ngon ăn nhất tại giải đó.
Hoàng Đức hội tụ nhiều phẩm chất tốt và có thể thay thế Hùng Dũng, nhưng anh còn thiếu kinh nghiệm trong màu áo đội tuyển. Ảnh: Đức Đồng
Để thay thế Hùng Dũng, HLV Park cần một tiền vệ vừa đa năng, có sức bền, gây áp lực và hỗ trợ phòng ngự tốt, lại vừa biết di chuyển rộng, chuyền xuyên tuyến, phối hợp ở biên và tạt bóng. Với những tiêu chí trên, chưa có ai sánh được với Hùng Dũng, ngay cả với những tiền vệ chính thức khác. Tuấn Anh đá lùi hơn ở giữa sân và hiếm khi dạt biên, còn Quang Hải không mạnh ở phòng ngự.
Trong tay HLV Park cũng không còn nhiều phương án dự phòng. Lương Xuân Trường còn yếu về thể lực và sự đa năng. Phạm Đức Huy, Cao Văn Triền lại thiên về đánh chặn. Nguyễn Hoàng Đức có khả năng thay thế Hùng Dũng hơn cả, nhưng tiền vệ Viettel mới chơi chín phút trong màu áo đội tuyển đến lúc này. Anh còn thiếu kinh nghiệm để HLV Park đặt trọn niềm tin, đặc biệt là trước những trận cầu then chốt còn lại ở vòng loại World Cup.
Đây là lúc HLV Park sẽ phải nhanh chóng tìm ra lời giải bài toán thiếu Hùng Dũng, để ba trận còn lại của Việt Nam tại vòng loại thứ hai World Cup không phải ác mộng. Tuy nhiên, thời gian còn lại quá ngắn để triển khai mảng miếng mới. Còn nếu ông Park lắp người khác vào vị trí của Hùng Dũng, khó tránh khỏi độ vênh.