Vượt qua cầu Linh Cảm, tôi tìm về Hương Sơn trong ngày vừa mới sang thu. Tiết trời nắng nhẹ, dòng sông Ngàn Phố vẫn tha thiết chảy về xuôi để hợp lưu cùng sông La, Ngàn Sâu, hòa vào sông Lam và đổ ra biển cả. Dẫu không sinh ra từ mảnh đất này, nhưng mỗi lần về Hương Sơn, tôi lại cảm nhận được, lắng dưới dòng trong xanh Ngàn Phố là lớp lớp trầm tích của văn hóa con người nơi đây. Những mạch nguồn phù sa của dòng sông không chỉ bồi tụ nên những làng quê trù phú mà còn kiến tạo nên truyền thống văn hóa hiếu học, cách mạng của vùng đất này.
Theo cuốn “Địa chí Hương Sơn”, dưới sự tác động kiến tạo của lớp vỏ trái đất, vùng đất này hình thành từ hàng triệu năm trước. Thời xa xưa, hầu như toàn bộ Hương Sơn là một cánh rừng già với hệ sinh thái vô cùng phong phú và đa dạng. Con người đến đây ngụ cư và sinh sống cũng từ rất sớm. Tính từ thời Nhà Lý (thế kỷ X), Hương Sơn là vùng đất có biên giới kéo dài từ Nam Nghệ An đến Bắc Quảng Bình gọi là hương Đỗ Gia; đến đời Lê Sơ (thế kỷ XV) gọi là huyện Đỗ Gia. Năm Quang Thuận thứ 10 (đời Lê Thánh Tông - 1469) mới đổi tên thành huyện Hương Sơn. Đến năm 1867, được tách ra thành 2 huyện, phía Nam gọi là Hương Khê, phía Bắc vẫn giữ tên cũ. Năm 2000, xã Sơn Thọ (Hương Sơn) được tách ra, cùng một số xã của huyện Đức Thọ, Hương Khê để thành lập nên huyện Vũ Quang.
Với đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt: mùa hè khô hạn, mùa mưa thường xảy ra lũ lụt… từ xưa, cuộc sống của người dân Hương Sơn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, con người ở đây không ngừng chinh phục thiên nhiên, thích ứng với điều kiện tự nhiên như cải tạo ruộng nương, chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, làm nhà chống lũ… Đồng thời, cũng hình thành nên những nét văn hóa truyền thống riêng của vùng đất này.
Một trong những đặc điểm nổi trội của con người Hương Sơn đó là tinh thần hiếu học. Thời phong kiến, từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế XX, Hương Sơn đã nổi tiếng là đất học ở xứ Nghệ. Dưới thời Lê, Nguyễn, vùng đất Hương Sơn có 12 vị đỗ đại khoa gồm: 4 hoàng giáp, 6 tiến sĩ, 2 phó bảng cùng hàng trăm vị cử nhân, tú tài khác… Các dòng họ khoa bảng tiêu biểu như: Nguyễn Khắc, Đinh Nho, Hà Huy, Tống Trần, Đào, Lê, Hồ, Trần… Cùng đó, xuất hiện nhiều người đỗ đạt cao trong khoa cử, tiêu biểu như: Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm; các vị danh tướng, thủ lĩnh khai quốc công thần như: Nguyễn Tuấn Thiện, Lê Hữu Tạo, Trần Quang Cán… Đặc biệt, vùng đất này cũng đã nuôi dưỡng nhân tài Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác mà tiếng thơm còn lưu mãi hậu thế.
Là hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn Khắc trứ danh đất Hương Sơn, nhà giáo Nguyễn Khắc Lanh (94 tuổi, xã An Hòa Thịnh) cho biết: “Dòng họ Nguyễn Khắc chúng tôi xuất phát từ vị thủy tổ Nguyễn Khắc Kính, đến làng Thịnh Xá để lập thân, lập nghiệp từ khoảng năm 1650. Theo lịch sử dòng họ, mục đích ông đến vùng đất này là mong muốn xây dựng nên một dòng họ khoa bảng. Với chí nguyện ban đầu như vậy, con cháu dòng họ Nguyễn Khắc ở làng Thịnh Xá nối tiếp các đời đều lấy học hành đỗ đạt ra làm quan làm mục đích hàng đầu. Trong đó, có nhiều người nổi tiếng như: Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (đỗ tiến sĩ khi mới 19 tuổi), các người con của ông đều đỗ đạt, có học hàm, học vị cao như: nhà văn hóa, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, giáo sư Nguyễn Khắc Phi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê...”.
Theo thống kê gần nhất (tháng 8/2024), huyện Hương Sơn có trên 200 vị là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đang hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế trong và ngoài nước, trong đó có nhiều người là viện sỹ viện hàn lâm nước ngoài.
Tiếp bước thế hệ đi trước, ngày nay, thế hệ trẻ Hương Sơn không ngừng nỗ lực học tập và đạt nhiều kết quả nổi bật. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, 2 người con của Hương Sơn là Phan Nhật Duy và Phan Xuân Hành được xướng tên ở đấu trường Olympic quốc tế, làm rạng danh thêm mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”. Trong đó, năm 2017, em Phan Nhật Duy (xã Sơn Tiến) đã giành HCV Toán học quốc tế tại Brazil; năm 2022, em Phan Xuân Hành (xã Sơn Lâm) giành HCV kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế (IChO) tại Trung Quốc.
Giáo sư, Nhà giáo Đinh Xuân Lâm từng đánh giá: “Hoàn cảnh sống gian khó đã tôi luyện người Hương Sơn có khí chất rắn rỏi, ngang tàng, không dễ khuất phục nhưng lại dễ hòa đồng. Và khi Tổ quốc bị xâm lăng, Hương Sơn thường là nơi tụ nghĩa của các anh hùng hào kiệt”.
Nhất là từ khi có Đảng ra đời, cùng với nhiều địa phương khác ở Hà Tĩnh, phong trào cách mạng ở Hương Sơn đã diễn ra sôi nổi. Năm 2023, khi đến Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (TP Vinh, Nghệ An), chúng tôi rất bất ngờ và xúc động khi tìm thấy nhiều thông tin về các chiến sĩ Xô viết 1930-1931 quê Hương Sơn như: Trần Chí Tín (xã Sơn Châu), Đinh Nho Khoách (làng Gôi Mỹ - xã Sơn Hà, nay là xã Tân Mỹ Hà); Lê Kinh Phố (làng Xuân Trì - xã Sơn An, nay là xã An Hòa Thịnh); Tống Trần Diệu (làng Bình Hòa - xã Sơn Hòa, nay là xã An Hòa Thịnh)…
Trong đó, cuốn hồi ký của đồng chí Trần Chí Tín - Bí thư Huyện ủy lâm thời Hương Sơn năm 1930-1931 đã miêu tả một cách sống động, chân thực quá trình đấu tranh cách mạng vô cùng gian khổ nhưng đầy sôi nổi, kiên cường, bất khuất của tác giả cũng như người dân Hương Sơn những ngày Đảng mới ra đời. Trong đó, đồng chí Trần Chí Tín là một trong nhóm 3 người tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hương Sơn vào tháng 3/1930. Từ tổ chức đảng đầu tiên, phong trào cách mạng đã dẫn dắt Nhân dân Hương Sơn không ngừng đấu tranh chống lại kẻ thù. Để rồi, vào ngày 19/8/1945, cùng với nhiều miền quê khác, Hương Sơn đã vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.
Phát huy truyền thống cách mạng, trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Hương Sơn đã cống hiến cho đất nước hàng vạn người con là các chiến sĩ, dân công… trên nhiều mặt trận.
Ngày nay, nối tiếp mạch nguồn cách mạng quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hương Sơn không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng quê nhà ngày càng giàu đẹp. Trong đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hương Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Đến nay, diện mạo nông thôn huyện Hương Sơn ngày càng chuyển biến rõ nét. Kinh tế phát triển khá, hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm…
Toàn huyện hiện có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 157/224 khu dân cư NTM kiểu mẫu, có 338 tổ hợp tác, 98 HTX, 641 doanh nghiệp, 50 sản phẩm OCOP. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 49,52 triệu đồng. Cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa người dân không ngừng được nâng lên, đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 94,7%; có 240/241 thôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa, đạt tỷ lệ 99,58%.
Trong sắc thu mới giữa miền quê đại ngàn đang bừng lên sức sống, tôi dường như nghe đâu đây những tiếng đồng vọng từ quá khứ ông cha. Phải chăng, truyền thống văn hóa cội nguồn đã được khơi dậy và nhân lên thành sức mạnh nội sinh để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hương Sơn luôn nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp...