Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì buổi làm việc với huyện Can Lộc.
Chiều 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì buổi làm việc của UBND tỉnh với huyện Can Lộc về tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và lãnh đạo các sở, ban, ngành. |
Vượt khó hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới, linh hoạt, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự phấn đấu của Đảng bộ và Nhân dân, từ đầu năm đến nay, kinh tế - xã hội huyện Can Lộc đạt được nhiều kết quả khá tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Đại biểu dự buổi làm việc.
Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện; năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 55,7 tạ/ha; sản lượng đạt 102.876 tấn.
Can Lộc là huyện đi đầu của tỉnh trong chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn giai đoạn 2020-2025. Đến nay, các địa phương đã tập trung được 2.228 ha, trong đó triển khai 1.666 ha mô hình sản xuất lúa tập trung quy mô từ 5ha/vùng.
Các mô hình sản xuất lúa tập trung cho năng suất cao, vượt trội, khẳng định hiệu quả cao trong chuyển đổi ruộng đất, giảm chi phí sản xuất, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đại biểu dự buổi làm việc.
Tổng đàn gia súc, gia cầm có sự tăng trưởng, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả. Chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh tiếp tục được tăng cường, chỉ đạo.
Huyện cũng đã tập trung thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao; ban hành chính sách hỗ trợ xi măng cho các thị trấn xây dựng đô thị văn minh... Đến nay, toàn huyện có 113/159 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu (đạt 71%); 1.217 vườn mẫu, 21 sản phẩm OCOP; 980 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; 99 hợp tác xã, 213 doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Đặng Trần Phong báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua.
Thu ngân sách trên địa bàn đạt 184/194 tỷ đồng (đạt 94,8% kế hoạch tỉnh giao và bằng 92% kế hoạch HĐND huyện giao). Giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh gần 70 tỷ đồng (đạt 73,2% kế hoạch); nguồn vốn đầu tư công do huyện quản lý đã giải ngân hơn 106 tỷ đồng (đạt 74,7% kế hoạch). Nhiều công trình dự án lớn đang được triển khai thực hiện trên địa bàn.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt: "Can Lộc là địa phương quyết liệt trong việc thực hiện các chủ trương phát triển nông nghiệp, đặc biệt là tập trung ruộng đất hình thành vùng sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, quá trình triển khai, huyện cần thực hiện cẩn trọng, chắc chắn để tạo sự bền vững".
Việc triển khai GPMB Dự án cao tốc Bắc - Nam ở Can Lộc tạo được sự đồng thuận, nhất trí của người dân ở các địa bàn nơi tuyến cao tốc đi qua. Đến nay, toàn huyện đã chi trả kinh phí cho các hộ dân ảnh hưởng với số tiền 162,6/172 tỷ đồng, đạt 94,5%.
Huyện dự kiến hoàn thành chi trả cho các hộ dân trước ngày 15/11/2022 và bàn giao 75% mặt bằng toàn tuyến trước ngày 20/11/2022. Can Lộc cũng đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch xây dựng 5 khu tái định cư phục vụ các hộ dân.
Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ: "Để đảm bảo bàn giao 75% mặt bằng cao tốc Bắc Nam trước ngày 20/11, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong việc đền bù cho các hộ ảnh hưởng".
Văn hóa - giáo dục có nhiều kết quả nổi bật; công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm có nhiều khởi sắc; nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 được các địa phương bám sát thực hiện; QP-AN được đảm bảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: "Để tạo sự phát triển, thời gian tới, Can Lộc cần tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế của vùng đất văn hóa với các di sản văn hóa ở Trường Lưu, Khu du lịch chùa Hương tích, Ngã ba Đồng Lộc; làng K130…; gắn nông nghiệp, văn hóa với làng nghề truyền thống, tạo các tour, tuyến thu hút du khách đến với địa bàn".
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Can Lộc đề xuất tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ địa phương trong quá trình xúc tiến, kêu gọi, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào các dự án, cụm công nghiệp; xúc tiến xây dựng nhà máy nước; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt khu tái định cư; cho ý kiến về việc xử lý một số trụ sở các cơ quan sau khi chuyển địa điểm.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Báu Hà: Can Lộc cần lựa chọn những mũi nhọn phát triển, đặc biệt chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại để tăng nguồn thu trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện mong muốn tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho địa phương được hưởng cơ chế chính sách đặc thù từ tiền thu quỹ đất ở thị trấn Nghèn; quan tâm xem xét, hỗ trợ kinh phí nhằm tăng nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh: “Can Lộc là huyện thuần nông và còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc huy động các nguồn lực, địa phương cần quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, hấp thu các chủ trương, chính sách, đặc biệt là các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã phân tích, làm rõ từng nội dung và gợi mở nhiều giải pháp để địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới. Đặc biệt là thu hút đầu tư; phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; khai thác tiềm năng, lợi thế về văn hóa...
Đổi mới, tạo bước đột phá trong triển khai nhiệm vụ
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Can Lộc trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kết luận buổi làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị huyện Can Lộc, nhất là người đứng đầu phải tâm huyết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; triển khai các giải pháp để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, từ đó tiếp tục đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả trong nửa cuối nhiệm kỳ.
Tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực, triển khai thực hiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao theo hướng phát triển nông nghiệp, công nghệ cao gắn với du lịch, dịch vụ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa, hình thành những cánh đồng mẫu mới; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế vườn đồi, các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính; quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là phát huy các giá trị các di sản văn hóa của địa phương.
Trước mắt, huyện tiếp tục tập trung cao cho sản xuất nông nghiệp; chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam; giải quyết dứt điểm các tồn đọng, khiếu nại tố cáo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bí thư Huyện ủy Nghiêm Sỹ Đống tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng thời khẳng định, cả hệ thống chính trị huyện tiếp tục vào cuộc quyết liệt, nỗ lực thực hiện tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.