Hyundai Thành Công vừa trình làng bản nâng cấp của Hyundai Tucson tại Việt Nam, thay đổi nhẹ ở ngoại thất, nâng cấp đáng kể ở khoang cabin còn giá bán cũng thấp hơn lần ra mắt cách đây gần 3 năm.
Ở phân khúc cỡ C, Hyundai Tucson cùng với các đối thủ đang phải chứng kiến sự áp đảo của Mazda CX-5. Với những thay đổi như trên kèm giá bán đã hấp dẫn hơn, liệu rằng Hyundai Tucson đã đủ sức cạnh tranh sòng phẳng cùng đối thủ Nhật Bản?
"Bình cũ, rượu mới", giá cũng mới
Ở phiên bản nâng cấp, Hyundai Tucson vẫn giữ nguyên 4 phiên bản gồm 2.0 Xăng Tiêu chuẩn, 2.0 Xăng Đặc biệt, 2.0 Dầu Đặc biệt cùng 1.6 Turbo.
Giá bán của các phiên bản tương ứng lần lượt 769 triệu, 859 triệu, 989 triệu và 979 triệu đồng. So với lần ra mắt đầu tiên của thế hệ thứ 4 cách đây gần 3 năm, giá xe Hyundai Tucson đã giảm 41-66 triệu đồng tùy phiên bản.
Do là một bản nâng cấp, Hyundai Tucson không có quá nhiều thay đổi. Kích thước dài x rộng x cao của xe vẫn giữ nguyên, lần lượt 4.640 x 1.865 x 1.665 mm, chiều dài trục cơ sở 2.755 mm và khoảng sáng gầm ở mức 181 mm.
Tại khu vực đầu xe, lưới tản nhiệt Tucson mới có thiết kế hầm hố hơn, các mắt lưới thưa hơn. Đèn LED ban ngày ẩn vào lưới tản nhiệt, được giảm số lượng xuống chỉ còn 4 mắt mỗi bên.
Đèn chiếu sáng chính ở bản 1.6 Turbo được nâng cấp lên thành Projector LED, các phiên bản còn lại sử dụng đèn LED.
Thân xe Tucson tiếp tục có các đường gân góc cạnh. Mui xe Tucson dài, mái phẳng và phần nhô ra của mẫu SUV cỡ C cũng không quá lớn. Đèn hậu được giữ nguyên thiết kế.
Mâm xe đường kính 17 inch trang bị trên phiên bản Tiêu chuẩn. Hai phiên bản Đặc biệt dùng la-zăng đường kính 18 inch, còn phiên bản 1.6 Turbo dùng mâm xe 19 inch.
Tương tự Hyundai Santa Fe thế hệ mới, bản nâng cấp của Hyundai Tucson được trang bị cụm màn hình đôi có cùng kích thước 12,3 inch, nghiêng nhẹ về phía người lái. Đây được xem là một trong những nâng cấp đáng chú ý nhất trên mẫu SUV cỡ C.
Vô lăng Hyundai Tucson là dạng 3 chấu, có logo chữ H theo dạng mã morse tương tự thiết kế trên "đàn anh" Hyundai Santa Fe. Từ phiên bản Dầu Đặc biệt, cần số điện tử dạng vặn cũng được đưa về sau vô lăng, giúp giải phóng không gian giữa 2 ghế hàng trước.
Từ các phiên bản Xăng và Dầu Đặc biệt, Hyundai Tucson được trang bị ghế phụ chỉnh điện, sưởi và làm mát cho hàng ghế trước, đế sạc không dây, gương chiếu hậu chống chói tự động và hệ thống âm thanh gồm 8 loa Bose.
Cửa sổ trời toàn cảnh, tính năng nhớ ghế lái chỉ có trên phiên bản Turbo. Hệ thống an toàn 6 túi khí là trang bị tiêu chuẩn. Từ các phiên bản Đặc biệt, Hyundai Tucson được trang bị gói công nghệ an toàn Hyundai SmartSense.
Động cơ dầu có thể là chìa khóa
Động cơ dầu không quá phổ biến ở phân khúc SUV cỡ C, chỉ có Hyundai Tucson và Kia Sportage cung cấp lựa chọn máy dầu cho khách Việt.
Trong lần ra mắt này, Hyundai Tucson vẫn giữ lại phiên bản dùng động cơ dầu dung tích 2.0L, cung cấp cho mẫu SUV cỡ C công suất tối đa 186 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 416 Nm.
Động thái của Hyundai với Tucson là khác biệt so với lần trình làng Hyundai Santa Fe thế hệ mới, bởi hãng xe Hàn Quốc đã loại bỏ tùy chọn động cơ dầu với mẫu SUV cỡ D và thay bằng một động cơ xăng tăng áp 2.5L.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, tư vấn bán hàng tại một đại lý Hyundai khu vực miền Nam từng tiết lộ phần đông khách hàng đã khá hụt hẫng khi biết Hyundai Santa Fe mới không còn phiên bản động cơ dầu.
Với Hyundai Tucson thì khác, động cơ diesel vẫn tồn tại và nhiều khả năng trở thành "chìa khóa" thành công của Tucson. Sẽ có khách hàng quan tâm Hyundai Santa Fe nhưng tìm đến các mẫu xe ở phân khúc lân cận như Palisade hay Tucson để sở hữu động cơ dầu, và mẫu SUV cỡ C của Hyundai có thể hưởng lợi từ điều này.
Với một thị trường có lượng khách hàng không nhỏ yêu thích động cơ diesel như Việt Nam, đây có thể xem là cơ hội của Hyundai Tucson.
Hai phiên bản xăng sử dụng động cơ Smartstream 2.0L, cho công suất tối đa 156 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 192 Nm. Phiên bản xăng tăng áp dùng động cơ Smartstream T-GDi dung tích 1.6L, sản sinh công suất tối đa 180 mã lực, mô-men xoắn cực đại 265 Nm.
Trong cùng phân khúc SUV cỡ C với Hyundai Tucson còn có các đối thủ như Kia Sportage 1.6T (177 mã lực, 265 Nm), Honda CR-V e:HEV RS (204 mã lực), Subaru Forester (156 mã lực, 196 Nm) hay Ford Territory với động cơ cho ra công suất 158 mã lực và mô-men xoắn 248 Nm.
Không dễ "ngược dòng" trước Mazda CX-5
Mazda CX-5 đang là cái tên bán chạy nhất phân khúc, có 2 tùy chọn động cơ gồm 2.0L (154 mã lực, 200 Nm) và 2.5L (188 mã lực, 252 Nm). Như vậy, thông số động cơ Hyundai Tucson và Mazda CX-5 tương đương nhau ở bản xăng 2.0L.
Về giá bán, 7 phiên bản Mazda CX-5 dao động từ 749 triệu đến 979 triệu đồng, tức không chênh lệch quá nhiều khi đặt cạnh khoảng giá 769-989 triệu đồng của Hyundai Tucson mới.
Ford Territory có giá 799-929 triệu đồng, Kia Sportage từ 779 triệu đến 999 triệu đồng, Mitsubishi Outlander có giá 825-950 triệu đồng và Haval H6 hiện có giá 986 triệu đồng. Một số đại diện khác trong phân khúc gồm Honda CR-V (1,029-1,25 tỷ đồng), Skoda Karoq (từ 999 triệu đồng đến 1,089 tỷ đồng) hay Subaru Forester có giá từ 969 triệu đồng đến 1,199 tỷ đồng.
Sau 9 tháng, Mazda CX-5 đang tạm là cái tên dẫn đầu với doanh số 9.240 xe. Ford Territory bán tốt thứ nhì phân khúc SUV cỡ C, doanh số đạt 5.084 xe. Trải qua 3 quý, Hyundai Tucson ghi nhận doanh số 3.529 xe, xếp trên đối thủ đồng hương Kia Sportage với 1.925 xe.
Với khoảng cách hơn 4.150 xe so với Mazda CX-5, cơ hội lội ngược dòng dành cho Hyundai Tucson gần như không còn, nhất là thị trường xe Việt đã bước vào quý cuối cùng của năm 2024.
Hồi năm ngoái, Mazda CX-5 từng có 4 tháng cuối năm sở hữu doanh số trên 1.700 xe/tháng, đạt được từ sau thời điểm ra mắt bản nâng cấp vào tháng 7/2023.
Thật khó để kỳ vọng Hyundai Tucson tái lập thành tích tương tự, nhưng nếu đại diện Hàn Quốc làm được, việc rút ngắn khoảng cách với Mazda CX-5 đồng thời "đua" cùng Ford Territory cho vị trí bán tốt thứ nhì phân khúc là hoàn toàn khả thi.