Internet Việt Nam đi quốc tế trên cáp quang biển AAG bị ảnh hưởng đến 11/9

Ngày 7/9, sự cố đứt nhánh S1H kết nối Internet từ Việt Nam đi Hong Kong xảy ra ngày 23/8/2018 trên tuyến cáp biển AAG được hàn mối đầu tiên. Dự kiến, việc sửa chữa tuyến cáp sẽ được hoàn tất vào ngày 11/9 tới.

Internet Việt Nam đi quốc tế trên cáp quang biển AAG bị ảnh hưởng đến 11/9

Tính từ đầu năm 2017 cho đến nay, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã 9 lần gặp sự cố hoặc được sửa chữa, bảo dưỡng, lần lượt vào các ngày 8/1, 18/2, 27/8, 12/10, 7/11/2017 và 6/1, 22/5, 16/6, 23/8/2018 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thông tin cập nhật về tiến độ sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra ngày 23/8/2018 trên cáp nhánh S1H của tuyến cáp quang biển quốc tế AAG vừa được Trung tâm điều hành tuyến cáp này thông báo với các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam.

Cụ thể, theo Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển AAG, nhánh cáp S1H của tuyến cáp biển AAG đã bắt đầu được sửa chữa từ ngày 5/9 vừa qua, sau đúng nửa tháng gặp sự cố lần thứ tư trong năm 2018.

Mối hàn đầu tiên trên nhánh S1H kết nối từ Việt Nam đi HongKong của tuyến cáp quang biển AAG được thực hiện trong hôm nay, ngày 7/9/2018. Trung tâm điều hành tuyến cáp dự kiến sẽ hoàn thành mối hàn cuối cùng vào sáng ngày 10/9 tới và hoàn tất việc chôn cáp, kết thúc công tác sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển AAG vào ngày 11/9/2018. Như vậy, theo đúng kế hoạch mới được cập nhật, tuyến cáp AAG sẽ bị gián đoạn liên lạc thêm 4 ngày nữa, chậm hơn 2 ngày so với kế hoạch sửa chữa dự kiến trước đó, nâng tổng số thời gian AAG bị gián đoạn - từ khi gặp sự cố vào 23/8/2018 đến khi được khắc phục xong là 20 ngày.

Trong lần gặp sự cố thứ tư trong năm nay, tuyến cáp quang biển AAG được xác định bị đứt vào lúc 14h35 ngày 23/8/2018 ở nhánh cáp S1H ở vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 257,7 km, gây mất kết nối Internet trên tuyến AAG từ Việt Nam đi HongKong.

Trước lần gặp sự cố mới nhất kể trên, chỉ tính riêng trong năm nay, tuyến cáp quang biển AAG đã có 3 lần gặp sự cố, được sửa chữa hoặc bảo dưỡng, lần lượt vào các ngày 6/1, 22/5, 16/6/2018. Đến thời điểm hiện tại, thống kê sơ bộ qua 4 lần gặp sự cố, được sửa chữa, bảo dưỡng, tổng số thời gian cáp AAG bị gián đoạn liên lạc trên tuyến đã lên tới gần 80 ngày.

Asia America Gateway - AAG là tuyến cáp quang biển quốc tế có tổng chiều dài 20.191 km, tổng dung lượng lên đến 2Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với Mỹ. Tuyến cáp quang biển quốc tế này được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009, đi qua Malaysia (Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hong Kong (South Lantau), Philippines (Currimao) và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).

Hiện nay, mặc dù không còn chiếm tỷ trọng dung lượng kết nối Internet đi quốc tế của các ISP tại Việt Nam song tất cả các nhà mạng gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom, NetNam đều vẫn đang khai thác, sử dụng tuyến cáp quang biển AAG. Với lần gặp sự cố vào ngày 23/8/2018 trên cáp nhánh S1H của tuyến AAG, gần như ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố, các nhà mạng VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom… đều đã triển khai ngay phương án dự phòng, chuyển lưu lượng sang các hướng cáp biển khác và đất liền nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp tới các khách hàng.

Theo ictnews.vn

Đọc thêm

Hàng hiếm iPhone không có logo Apple

Hàng hiếm iPhone không có logo Apple

Một nguyên mẫu iPhone được cho là phiên bản thử nghiệm tính năng nút cảm ứng, dùng logo biểu tượng Vesica Piscis thay quả táo.
Còn ai chê iPhone hết thời?

Còn ai chê iPhone hết thời?

17 năm kể từ khi ra mắt lần đầu, bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, Apple vẫn tiếp tục lập kỷ lục về doanh số bán iPhone trong kết quả tài chính mới nhất.
Smartphone giá rẻ rồi cũng có AI

Smartphone giá rẻ rồi cũng có AI

Đến năm 2028, 90% smartphone giá trên 250 USD sẽ trang bị những tính năng AI tạo sinh, vốn chỉ đang có mặt trên các dòng cao cấp.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.