Bóng đá Italia đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi các giải đấu lớn thuộc quản lý của UEFA lẫn FIFA như Euro, World Cup hay Champions League. Thậm chí quyền đăng cai Euro 2032 của họ cũng có khả năng bị thu hồi nếu Chính phủ can thiệp vào thể thao.
Lời cảnh báo được đưa ra trong một thông cáo chung của FIFA và UEFA gửi tới FIGC (Liên đoàn bóng đá Italy). Nguyên nhân là bởi Đạo luật Mule sắp được thông qua ở Italia. Đây là đề xuất của chính trị gia Giorgio Mule thuộc đảng Forza Italia. Đạo luật này cho phép các đội bóng và thậm chí cả cầu thủ bỏ qua hệ thống tư pháp thể thao và kháng cáo trực tiếp lên tòa án TAR.
FIFA và UEFA coi hành động này là trao cho Chính phủ quyền ảnh hưởng đến thể thao và tước bỏ quyền tự chủ của hệ thống tư pháp thể thao. Điều này đi ngược với quy tắc thể thao phi chính trị mà FIFA và UEFA theo đuổi.
Theo xác nhận của La Repubblica và Sky Sport Italia, bức thư của Chủ tịch UEFA Aleksandar Ceferin gửi Bộ trưởng Thể thao Italia Andrea Abodi cảnh báo rằng "nếu đạo luật vẫn giữ nguyên, chúng tôi sẽ phải loại các đội bóng Italia khỏi các giải đấu cúp châu Âu".
Hiện đạo luật này vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi ở Italia. Các cổ động viên Italia cũng phản đối đạo luật này trước cả khi FIFA và UEFA lên tiếng.
Nếu không thể tham dự các giải đấu cúp châu Âu như Champions League, Europa League hay Conference League, các CLB ở Italia sẽ mất rất nhiều tiền bản quyền truyền hình, khó giữ chân các ngôi sao và tụt hậu so với các giải đấu hàng đầu khác. Nghiêm trọng hơn, Italia có thể bị tước quyền đăng cai Euro 2032, giải đấu mà quốc gia này và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác tổ chức.
Với sức ép từ FIFA, UEFA cũng như người hâm mộ, đạo luật Mule có thể sẽ được điều chỉnh lại, hoặc tạm hoãn.
Đạo luật Mule là một phần trong nỗ lực của Italia nhằm đưa Lega Serie A, Serie B và Lega Pro tách khỏi FIGC, giống như cách mà 22 đội bóng hàng đầu nước Anh tách khỏi Hiệp hội bóng đá Anh (EFL) để thành lập Premier League năm 1992. Tuy nhiên đó sẽ là một hành trình dài và gian truân của bóng đá Italia.
Bóng đá Italia đang trong giai đoạn lao đao vì khủng hoảng tài chính. Các CLB của họ không thể duy trì được vị thế tại châu Âu, dẫn đến chất lượng giải đấu lẫn cầu thủ suy giảm.
Đây là điều các CLB Anh gặp phải vào cuối những năm 1980, đầu 1990. Và việc thành lập Premier League đã giúp họ giải quyết vấn đề về tài chính và tìm ra hướng phát triển mới. Italia hy vọng sẽ tạo nên phép màu mới như cách người Anh đã làm.