Khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 12.9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 37.

Xem xét 23 nội dung quan trọng

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Phiên họp thường kỳ thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong điều kiện các tỉnh miền núi phía Bắc còn đang mưa lũ, sạt lở, thiệt hại nặng nề. Với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp trong 5,5 ngày và chia làm 2 đợt (đợt 1: ngày 12 và sáng 13.9; đợt 2: từ ngày 23 - 26.9), với khối lượng nội dung lớn, gồm 23 nội dung.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ nhất, về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm, dành thời gian chủ yếu của Phiên họp lần này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về 11 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám. Trong đó, có 2 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp này là: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 1 Pháp lệnh là Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị bổ sung 3 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm: dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương thẩm tra các đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, nghiên cứu kỹ lưỡng, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình Phiên họp thứ 37 trên tinh thần phải bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện để thông qua.

Thứ hai, về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với các nội dung liên quan đến 2 chuyên đề giám sát; các báo cáo về công tác tư pháp, kiểm toán thường niên và một số báo cáo quan trọng khác. Cụ thể là: Chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”, chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023”.

Thẩm tra đúng, trúng, bảo đảm chất lượng các báo cáo và các dự án luật

Thứ ba, về một số công việc khác được xem xét tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ Tám và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.

Cùng đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 2 dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Quang cảnh khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển
Quang cảnh khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiến hành xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa XHCN Việt Nam và xem xét Báo cáo công tác dân nguyện tháng 8.2024 theo thông lệ.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với một số báo cáo bằng văn bản để các cơ quan chỉnh lý hoàn thiện, sớm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất rút ngắn tối đa thời gian trình bày tờ trình, báo cáo. “Đề nghị các cơ quan báo cáo ngắn gọn, tuân thủ đúng thời gian cho phép; Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, nội dung cần xin ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Trên cơ sở nội dung, chương trình phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan liên quan quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là “tập trung cao độ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn” để tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, đặc biệt trong tình hình khó khăn của nước ta hiện nay, bão lũ thiên tai gây thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của năm 2024 và một số năm tiếp theo. Nhất là đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm quốc phòng an ninh, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động về thuế, y tế, giáo dục và các công tác quan trọng khác. “Những gì sửa được ngay thì chúng ta sửa để bảo đảm yêu cầu cho phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Lưu ý khối lượng công việc của Kỳ họp thứ Tám là rất lớn, có nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, gốc là từ sự chuẩn bị một cách tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đã đến lúc cao điểm, có thể làm việc ngày đêm để thẩm tra đúng, trúng, bảo đảm chất lượng các báo cáo và các dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan liên quan bảo đảm thành phần dự phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp công việc, tập trung, dành thời gian tối đa cho phiên họp để bảo đảm chất lượng cao nhất.

daibieunhandan.vn

Đọc thêm