Tình trạng nguồn lợi thủy hải sản giảm sút đang đặt ra yêu cầu cần phải triển khai các giải pháp tái tạo theo hướng vừa khai thác, vừa bảo vệ. Tập trung phát huy nội lực, nâng cao ý thức của ngư dân đối với việc gìn giữ nguồn lợi ven bờ, thực hiện cơ cấu lại đội tàu, phát triển đánh bắt xa bờ, nâng cao hạ tầng nghề cá… được xem là những bước đi căn cơ để phát triển nghề cá bền vững.
Sáng sớm, vùng ven biển Xuân Yên (Nghi Xuân) ánh lên màu sắc tươi mới. Ngư dân Phạm Quốc Việt (thôn Yên Lợi, xã Xuân Yên) chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, tình trạng đánh bắt hải sản bằng các phương tiện hủy diệt tại vùng biển này đã giảm phần nào khi Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 đi vào hoạt động”. Hằng ngày, những ngư dân - thành viên của Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 vừa tham gia đánh bắt hải sản trên biển nhưng cũng vừa tiến hành theo dõi, phát hiện những tàu cá vi phạm cấp báo về đường dây nóng của bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm ngư để huy động lực lượng triển khai ngăn chặn. Từ sự giúp sức của ngư dân, nhiều tàu giã cào đã bị phát hiện và xử lý kịp thời, góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ.
Ngư dân Trần Văn Mạnh - Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 xã Xuân Yên.
Ngư dân Trần Văn Mạnh - Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 cho hay: “Đến nay, tình trạng trên không chỉ giảm dần mà còn nâng cao sản lượng khai thác ven bờ. Tham gia tổ, ngư dân được giao quyền quản lý hoạt động khai thác hải sản tại một vùng nước cố định ven biển nhằm bảo vệ tốt khu vực sinh sản của tôm, cá”.
Các tổ đồng quản lý nghề cá được xem là “mắt thần” thông báo thông tin, vị trí vi phạm, đặc biệt, họ còn làm “hoa tiêu” dẫn đường, truy bắt tàu giã cào đánh bắt sai quy định. Theo đó, tổ đồng quản lý trung bình mỗi tháng cung cấp 3-4 thông tin nghi ngờ tàu cá có công suất lớn khai thác sai vùng, sử dụng ngư lưới cụ cấm, dùng xung kích điện khai thác... cho lực lượng chức năng để có biện pháp xử lý. |
Sau khi thành lập tổ đồng quản lý, bà con ngư dân tăng thêm mối đoàn kết, tin tưởng, giúp nhau trong khai thác hải sản và cùng hợp sức bảo vệ ngư trường. Khi có tàu gặp rủi ro, hư hỏng trên biển thì các tàu trong tổ có trách nhiệm hỗ trợ, lai dắt vào bờ. Tàu nào ra biển phát hiện luồng cá thì sẻ chia cùng nhau khai thác. “Bà con ngư dân ở đây luôn hỗ trợ nhau hết mức có thể, sống trong cộng đồng thế này mình cũng thấy có trách nhiệm hơn. Trên biển vô vàn chuyện xảy ra, nếu mạnh ai nấy lo thì khó tránh khỏi rủi ro, thua thiệt”, ông Nguyễn Văn Bê - Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá số 3, xã Xuân Liên, Cổ Đạm chia sẻ.
Thành lập tổ đồng quản lý, bà con ngư dân xã Xuân Yên (Nghi Xuân) đã giúp nhau trong khai thác hải sản và cùng hợp sức bảo vệ ngư trường, khai thác hiệu quả.
Điều cốt lõi nhất của các tổ đồng quản lý nghề cá đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy mới đi vào hoạt động được gần 1 năm nhưng các tổ đồng quản lý ở huyện Kỳ Anh đã bước đầu phát huy hiệu quả. Bà con ngư dân được nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên về việc không sử dụng chất nổ, xung điện, mắt lưới cỡ nhỏ… đánh bắt thủy hải sản trái phép, nhất là đối với các loài hải sản quý hiếm chưa đạt kích thước cho phép hoặc trong thời kỳ mang trứng như: tôm hùm, ghẹ trứng, ốc hương... Ông Cao Xuân Điền - Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá số 5 xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) chia sẻ: “Sau một thời gian đi vào hoạt động, ngư dân bắt nhịp và có tính liên kết hơn nhiều. Nhận thức, ý thức của bà con về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng cao, các hành vi vi phạm có chiều hướng giảm, nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu phục hồi, phát triển tại khu vực, vùng triển khai đồng quản lý”.
Toàn tỉnh hiện có 15 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 1.564 tàu cá tham gia. Đặc biệt, có 5/15 tổ đã được kiện toàn tổ chức, cơ cấu theo Luật Thủy sản và đã phát huy hiệu quả rõ nét. Đây được xem là giải pháp quan trọng được tỉnh xác định trong thời gian tới nhằm nâng cao ý thức chủ động tự bảo vệ vùng biển, tài nguyên ven bờ của ngư dân, góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái tự nhiên các thủy vực, mang lại sinh kế ổn định cho bà con.
“Tuy nhiên, về lâu dài, để cách làm này tiếp tục phát huy hiệu quả, các địa phương cần hỗ trợ các tổ đồng quản lý tuyên truyền cho ngư dân chấp hành tốt các quy định về quản lý nguồn lợi thủy sản; cơ cấu lại đội tàu cá cùng các nghề khai thác phù hợp với ngư trường và nguồn lợi, giảm số lượng tàu thuyền công suất nhỏ; xem xét chuyển đổi một số ngành nghề khai thác thủy sản nhằm giảm cường độ khai thác ven bờ... Hiện nay, các tổ này vẫn đang được hưởng chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng/năm theo Nghị quyết 123 của HĐND tỉnh và tỉnh đang khuyến khích thành lập thêm các tổ hợp tác, nghiệp đoàn, HTX khai thác thủy sản, tiến hành giao quyền quản lý, sử dụng vùng nước ven biển cho các tổ chức cộng đồng ngư dân”, ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh bày tỏ.
BĐBP Hà Tĩnh đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn giã cào khai thác sai vùng biển.
Cùng với sự chuyển biến ý thức của ngư dân tại các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ, các lực lượng liên quan như bộ đội biên phòng, kiểm ngư đã và đang tập trung cao phối hợp để đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn giã cào khai thác sai vùng biển.
Đại tá Võ Hồng Hải - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: “Công tác đấu tranh với tàu giã cào luôn gặp nhiều khó khăn do các phương tiện lợi dụng ban đêm để đánh bắt sai vùng quy định, các tàu vi phạm có công suất lớn nên khi phát hiện thường cắt lưới bỏ chạy hoặc chống trả, không hợp tác... Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển đấu tranh ngăn chặn hiệu quả, xử lý đúng quy trình, làm việc đúng chức trách, xử phạt đủ sức răn đe. Tuy nhiên, thời gian tới, các địa phương ven biển cũng cần có thêm sự hỗ trợ về kinh phí, mua sắm trang thiết bị để lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ thuận lợi hơn”.
Dọc theo con đường ven biển, chúng tôi nghe rõ câu chuyện và niềm vui của những ngư dân vùng biển Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) chia sẻ sau những ngày dài vươn khơi trở về đoàn tụ với gia đình. Xã Kỳ Hà là cái “nôi” của Hà Tĩnh về đánh bắt xa bờ hiệu quả. Bà con ngư dân ở đây không chỉ cần cù, chịu khó mà còn mạnh dạn đầu tư cải hoán tàu thuyền, năng động chuyển đổi nghề theo mùa vụ. Nghề câu khơi, nghề lồng bẫy của ngư dân Kỳ Hà luôn cho tàu cách bờ 200-300 hải lý. Các sản phẩm đánh bắt có giá trị xuất khẩu, trọng lượng lớn nên hiệu quả kinh tế rất cao như: cá cam, cá mú, cá trổng, cá sơn đá…
Hải sản đánh bắt được của ngư dân Kỳ Hà có giá trị xuất khẩu, trọng lượng lớn nên hiệu quả kinh tế rất cao.
Ngư dân Trần Mạnh Phương - chủ tàu cá có công suất gần 500 CV ở thôn Hải Hà (xã Kỳ Hà) tâm sự: “Mỗi chuyến đi biển từ 7-10 ngày, tàu của tôi cũng như những ngư dân ở đây thuận lợi có thể thu về bình quân gần 150-200 triệu đồng, mỗi lao động trên tàu “lĩnh” từ 10-15 triệu đồng”.
Với sự đồng hành của các cấp chính quyền, bà con ngư dân xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh đã mạnh dạn đầu tư cải hoán tàu thuyền, năng động chuyển đổi nghề theo mùa vụ.
Nhờ tiếp cận chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện phù hợp, đầu tư cải hoán tàu thuyền, trang thiết bị, thời gian qua, đội tàu của ngư dân xã Kỳ Hà đã tự tin và có kinh nghiệm tiếp cận các ngư trường rộng lớn, xa bờ với nguồn thủy sản giàu có ở ngoài khơi. Nghề bóng mực kết hợp câu khơi trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, ngư dân tiếp cận được vùng ngư trường rộng lớn, mang lại sinh kế ổn định. Hiện nay, địa phương đã có trên 32 tàu công suất từ 250-750 CV phục vụ đánh bắt xa bờ.
Những ngư dân ở đây đang thắp “ngọn lửa” cho các thế hệ kế cận niềm tin, biển vẫn là “nguồn sống”. “Ở đây, có nhiều gia đình nhiều thế hệ cùng nhau rẽ sóng vươn khơi như gia đình ông Trần Văn Thành, Trần Văn Thủy… Gia đình tôi, đứa con trai đầu sinh năm 2000 cũng đang theo cha học nghề, mình thấy biển không “bạc” với những ai chịu khó “trau” nghề”, anh Trần Đình Xuân - ngư dân thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) chia sẻ.
Có khoảng 50/130 tàu cá của ngư dân Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) có công suất từ 90CV trở lên tham gia khai thác ghẹ và các loài hải sản khác.
Về với vùng biển Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên) - nơi phát triển nghề bóng ghẹ mạnh nhất tỉnh, phía sau cuộc sống ổn định, no ấm là cả một hành trình trăn trở để thay đổi phương thức sản xuất trên biển. Tập trung cải hoán tàu thuyền, đầu tư ngư lưới cụ, toàn xã đã có khoảng 50/130 tàu có công suất từ 90 CV trở lên tham gia khai thác ghẹ và các loài hải sản khác. Ngư dân Trương Quang Thủy (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc) phấn khởi: “Bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 8 hằng năm, bà con ngư dân ở đây lại ra khơi đánh bắt ghẹ. Mỗi chuyến đi từ 5-7 ngày, khi cách bờ khoảng 15 hải lý, các tàu thả xuống biển trên dưới 1.000 bóng để “bẫy” ghẹ. Nếu thuận lợi, năng suất có thể đạt từ 20-25 tấn/năm, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm/tàu”.
Bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 8 hằng năm, bà con ngư dân Cẩm Lộc lại ra khơi đánh bắt ghẹ
Theo lãnh đạo xã Cẩm Lộc, nghề bóng ghẹ khai thác xa bờ cho thu nhập tốt nên nhiều bà con không phải đi tìm việc làm ở nơi khác. Từ đầu năm đến nay, toàn xã khai thác gần 1.000 tấn hải sản các loại, chủ yếu là ghẹ (tăng 30% so với năm trước), trị giá gần 150 tỷ đồng. Ngư dân sử dụng lồng bẫy cải tiến, có độ hở phù hợp nên khai thác ghẹ, ốc hương có chọn lọc, không gây hại đến môi trường.
Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn về nghề khai thác hải sản. Song, số đội tàu đánh bắt vùng lộng, vùng khơi trên địa bàn còn ít, chủ yếu là khai thác ven bờ. Hiện nay, nghề cá truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn, hiệu quả đánh bắt kém, nguồn lợi suy giảm khiến ngư dân bỏ tàu, chuyển nghề. Số lượng tàu thuyền đang trên đà giảm nhanh (thống kê đến tháng 9/2021 có 3.694 tàu thuyền, nay còn 3.365 tàu thuyền) là điều không ai mong muốn. Tuy vậy, giữa nhiều thách thức, đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận thực tiễn, tiếp tục tái cơ cấu lại đội tàu đánh bắt một cách quyết liệt hơn.
Ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Khát vọng vươn khơi không chỉ nâng cao đời sống ngư dân mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển; đảm bảo khai thác, phát triển phù hợp với thời kỳ hội nhập. Để thực hiện chiến lược đó, đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thủy sản Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đây được xem là “kim chỉ nam” để tiếp tục cụ thể các chiến lược bài bản hơn trong thời gian tới. Kế hoạch nhấn mạnh vào các vấn đề trọng tâm như tổ chức đánh giá nguồn lợi, xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm KT-XH của tỉnh; có các giải pháp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo vệ thủy sản mùa sinh sản; giảm số lượng tàu cá ven bờ để phục hồi nguồn lợi thủy sản…”.
Năm 2022, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Được biết, trên kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn mới và hạn ngạch thủy sản được phân bổ, ngành chức năng Hà Tĩnh đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phù hợp để giảm đội tàu toàn tỉnh về ở mức 2.800 chiếc vào năm 2025 với định hướng chung là giảm tàu ven bờ, tiếp tục phát triển khai thác vùng lộng, xa bờ (hạn ngạch còn 223 tàu) và vùng khơi (hạn ngạch còn 30 tàu).
Hà Tĩnh tiếp tục nghiên cứu giảm đội tàu ven bờ, phát triển khai thác vùng lộng, xa bờ.
Cơ cấu lại đội tàu phù hợp là điều chắc chắn phải thực hiện nếu muốn phát triển bền vững ngành khai thác hải sản nhưng cũng cần có lộ trình bài bản, tránh ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân. Vì thế, tỉnh đang tập trung rà soát lại nhu cầu của ngư dân; số lượng, ngành nghề cần chuyển đổi; xây dựng lộ trình, chính sách mới nhằm tạo thêm nguồn vốn để những ngư dân khai thác gần bờ có điều kiện, động lực chuyển đổi nghề. Đồng thời với đó, phát triển kinh tế ở các địa phương, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, từ đó, người dân có thể tiếp cận thêm các công việc khác ngoài khai thác biển.
Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Địa phương xác định, du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân tại địa phương, động lực mới cho phát triển KT-XH giai đoạn 2020-2025. Huyện cũng đang kỳ vọng khi cảng Cẩm Nhượng hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ “hút” lao động chuyển sang các nghề dịch vụ hậu cần đi kèm như thu mua, chế biến thủy hải sản, cung cấp xăng dầu, nhu yếu phẩm, vận chuyển hàng hóa…”.
Ông Lê Tiến Hải - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim (Lộc Hà) thì cho rằng: “Để nâng cao hiệu quả khai thác trên tàu xa bờ, cần có lộ trình động viên, cơ chế khuyến khích bà con ngư dân tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh, chuyển đổi kỹ thuật đánh bắt hiện đại theo hướng chú trọng khai thác những hải sản đặc trưng cho từng vùng biển và có giá trị kinh tế cao”.
Hà Tĩnh dự kiến đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các cảng cá trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá hiện đại trong trong thời gian tới.
Nhằm phát triển nghề cá bền vững, nâng cao hiệu quả khai thác, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đối với 4 dự án trọng điểm: đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên); nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (Nghi Xuân); đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà (TX Kỳ Anh); đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà), với tổng nguồn vốn dự kiến 400 tỷ đồng… Việc đồng bộ hóa hạ tầng là xu thế tất yếu, cấp bách để đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề cá tại địa phương, là lực đẩy để ngư dân mạnh dạn nâng cấp tàu vươn khơi, đến các ngư trường mới.
Dự án nạo vét và chỉnh tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (Nghi Xuân) đang được thực hiện.
Ông Hà Văn Trà - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, các dự án đều đã hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu và đang chờ bố trí nguồn vốn để khởi công. Ngoài phục vụ hoạt động neo đậu, giao thương buôn bán của đội tàu Hà Tĩnh, việc đầu tư xây mới, nâng cấp hậu cần nghề cá chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn tàu thuyền của ngư dân các tỉnh lân cận cập cảng, gia tăng hiệu quả kinh tế, phát triển nhiều ngành thương mại - dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ, tăng thu ngân sách địa phương”.
Hướng mở từ chính sách, các phương án đầu tư nâng cấp hạ tầng nghề cá trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” để Hà Tĩnh cơ cấu lại đội tàu phù hợp, ưu tiên phát triển khai thác xa bờ, từng bước tái tạo nguồn lợi hải sản và dài hơi hơn là phát triển nghề cá bền vững.
Bài 1: Suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ Hà Tĩnh
Bài 2: Lực cản phát triển bền vững nghề cá ở Hà Tĩnh
Trình bày: Công Ngọc