Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 9/6, các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ cùng các tỉnh Cao Bằng, Đồng Nai. |
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ.
Thảo tại tổ, đại biểu các đoàn khẳng định, Luật Đất đai (sửa đổi) là luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác.
Các đại biểu đánh giá cao việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở với trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý.
Tham gia thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Nguyên tắc sử dụng đất; phân loại đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; sở hữu đất đai; quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; thủ tục hành chính đất đai.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng đoàn Đồng Nai: Cần làm rõ khái niệm “đất ổn định lâu dài”, tránh tuỳ tiện sử dụng thuật ngữ này.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ cách thức xác định nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất đa mục đích, nhất là trong trường hợp không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng đất; nghiên cứu, hoàn thiện quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát, phân loại, tách bạch các trường hợp được miễn với trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã thực hiện ổn định trong thực tế và phù hợp với các quy định tại các luật có liên quan.
Đồng thời, Chính phủ cần có các giải pháp chỉ đạo điều hành theo lộ trình phù hợp ngay trong bước lập quy hoạch để tránh lặp lại vướng mắc nêu trên để tránh xảy ra tình trạng quy hoạch cấp trên hoàn thành chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành quy hoạch cấp dưới như thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Đình Việt (đoàn Cao Bằng): Hồ sơ dự án luật gửi trình Quốc hội rất chậm, ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu của các đại biểu; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là nguồn thu của ngân sách nhà nước nên việc phân bổ hằng năm cho quỹ phát triển đất là không phù hợp với nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước.
Phát biểu thảo luận tại tổ, các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị tiếp tục rà soát hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng các chính sách, quy định sửa đổi trong dự thảo luật; có quy định hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất; giải quyết các vướng mắc, tồn đọng về đất đai; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng, ngừa việc lợi dụng quy định để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách; có quy định khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý.
Đại biểu đoàn Hà Tĩnh phát biểu tại thảo luận tổ.
Các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị quy định đối với trường hợp đa số người dân không đồng ý với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì quyết định dừng phê duyệt quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện để đạt đồng thuận từ đa số người dân; có quy định bảo đảm tính khả thi, bổ sung nguyên tắc định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư; cân nhắc việc bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất.
Cùng đó, làm rõ phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định quỹ phát triển đất thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước; đánh giá cụ thể về mức độ nới rộng hạn mức, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn.