Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo đó, tính đến ngày 13/4, tổng số các văn bản cần rà soát gồm 25 văn bản còn nợ đọng (trong đó có 8 Nghị quyết, 1 Quyết định và 16 Thông tư); 17 văn bản chuẩn bị có hiệu lực từ 1/6 và 1/7.
Giải trình với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc chậm ban hành văn bản pháp luật, đại diện các bộ, ngành cho biết đang tích cực đôn đốc các đơn vị liên quan; phối hợp với Bộ Tư pháp thẩm định để thực hiện trong thời gian sớm nhất. Trong số các văn bản nợ đọng có một Thông tư thuộc Luật Giám định tư pháp do Bộ Công an chủ trì soạn thảo về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự đã có hiệu lực từ 1/1/2013 nhưng đến nay vẫn chưa ban hành.
Theo đại diện Bộ Công an, ngoài chức năng giám định tư pháp phục vụ hoạt động tố tụng chung của các cơ quan tiến hành tố tụng, các phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh còn có nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường và tiến hành công tác kỹ thuật phòng chống tội phạm theo chức năng của Bộ Công an giao.
Việc châm ban hành Thông tư do phải xây dựng tiêu chuẩn định mức chung cho phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh chứ không chỉ làm nhiệm vụ giám định tư pháp.
Đến nay, Bộ Công an đang xây dựng toàn bộ hệ thống Thông tư quy định trang bị tối thiểu cho tất cả các lực lượng cảnh sát trong cả nước và đã trình Cục Kế hoạch đầu tư (H43), Bộ Công an thẩm định. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Công an cần tích cực đẩy nhanh tiến độ để ban hành các văn bản còn chậm trước 15/5/2017.
Đơn vị chậm ban hành văn bản nhiều nhất là Bộ Y tế (1 Nghị định và 7 Thông tư) liên quan đến Luật Dược và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện để ban hành các bản trước ngày 30/5.
Đối với các Bộ, ngành khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu việc ban hành các văn bản pháp luật phải được thực hiện theo đúng tiến độ. Đơn vị nào chậm do chủ quan, phải nhận lỗi trước Thủ tướng, nợ đọng do khách quan, cần báo cáo rõ nguyên nhân với Tổ công tác để cùng phối hợp xử lý trực tiếp, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau.
Theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ cần tập trung thời gian và điều kiện tối đa để hoàn thành văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh, hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ thượng tôn pháp luật, không để khoảng trống pháp lý.
Trong các phiên họp Chính phủ đều dành thời gian tập trung xây dựng thể chế để tạo điều kiện ban hành các văn bản theo đúng thẩm quyền khi Luật, Pháp lệnh đã có hiệu lực.
Liên quan tới 17 văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực từ 1/6 và 1/7/2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu các cơ quan soạn thảo cần đẩy mạnh tiến độ, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tập trung cao nhất hoàn thiện các văn bản pháp luật đúng thời gian.
Các văn bản ban hành phải đi vào cuộc sống, đảm bảo tiến độ, thời gian và chất lượng để việc thực thi pháp luật được tốt hơn. Kết quả cuộc họp sẽ được Tổ Công tác thống nhất, báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 4/2017.